Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tổ đỉa: Bệnh lý viêm da có xu hướng mạn tính

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tổ đỉa là một chứng bệnh da liễu do di truyền, dị ứng hoá chất, nhiễm khuẩn, giảm sức đề kháng, tác dụng phụ của một số thuốc hoặc stress gây ra. Bệnh khu trú ở lòng bàn tay/chân, hình dạng tổn thương giống mụn nước, xuất hiện thành từng cụm hoặc rải rác. Tổ đỉa thường tái phát dai dẳng và ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt cũng như khả năng lao động.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tổ đỉa là gì? 

Tổ đỉa - Dyshidrotic eczema là một tình trạng viêm da thường gặp, biểu hiện bởi các mụn nước đường kính khoảng 1 - 2mm, mọc sâu dưới da nên khó vỡ, phân bố rải rác hoặc thành cụm lớn ở rìa ngón tay, ngón chân, lòng bàn tay và lòng bàn chân, gây ngứa dữ dội. Bệnh tổ đỉa có thể cấp tính, tái phát hoặc mãn tính.

Dựa vào mức độ tổn thương, bệnh tổ đỉa được chia thành 4 thể khác nhau:

  • Thể giản đơn: Là thể bệnh thường gặp nhất, các tổn thương trên da ở mức độ nhẹ đến vừa.

  • Thể nhiễm khuẩn: Có triệu chứng tương tự thể giản đơn. Tuy nhiên, lúc này da đã bị nhiễm khuẩn do vi khuẩn xâm nhập và xuất hiện mụn mủ.

  • Thể bọng nước: Do chăm sóc vùng da bị tổn thương không đúng cách, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, dẫn đến hình thành các bọng nước to trên da.

  • Thể khô: Đây là thể bệnh khá đặc biệt, vùng da tổn thương đỏ rát, tróc vảy nhưng không xuất hiện mụn nước.

Tổ đỉa không lây nhiễm sang người khác nhưng có thể lan rộng ra các vùng da lành trên cơ thể. Thông thường, các triệu chứng của bệnh có thể biến mất sau 3 - 4 tuần nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của tổ đỉa

Khi thấy trên da xuất hiện những dấu hiệu bất thường, cần đến ngày bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị vì triệu chứng của bệnh tổ đỉa thường dễ nhầm lẫn với các bệnh ngoài da thông thường khác. 

Một số triệu chứng của bệnh tổ đỉa:

  • Xuất hiện mụn nước: Các nốt mụn nhỏ, kích thước dưới 2mm bắt đầu xuất hiện chủ yếu ở ngón tay, ngón chân, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Những mụn nước này mọc sâu bên trong da rất khó vỡ, rải rác hoặc tập trung thành từng đám lớn, khi sờ vào sẽ có cảm giác lợn cợn.
  • Cảm giác ngứa rát: Vùng da xuất hiện mụn nước có thể gây đau rát hoặc không biểu hiện gì. Nếu tiếp xúc với các hóa chất gây hại như xà phòng, chất kích thích..., tình trạng này sẽ trở nên nặng hơn. 
  • Nhiễm trùng: Để giảm bớt cơn ngứa ngáy, người bệnh thường cào gãi da và khiến các mụn nước vỡ ra, hình thành nên các vết thương hở gây khô nứt da và đau đớn. Tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập vào sâu bên trong lớp biểu bì và gây nhiễm trùng.
  • Hình thành vảy da chết: Mụn nước sau khi vỡ ra sẽ bị chảy dịch và xẹp xuống. Dẫn đến tình trạng khô da khô, hình thành vảy rất dễ bong tróc và gây mất thẩm mỹ.
  • Biến dạng móng tay, móng chân: Trường hợp bệnh tổ đỉa tiến triển, gây biến chứng sưng hạch bạch huyết và có thể dẫn đến biến dạng móng. Hạch bạch huyết càng sưng to móng biến dạng càng nghiêm trọng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến tổ đỉa

Di truyền: Những người có bố hoặc mẹ mắc bệnh tổ đỉa thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người bình thường. 

Dị ứng: Da nhạy cảm dễ bị dị ứng với các hoá chất có trong xà phòng, chất tẩy rửa,...

Nhiễm khuẩn: Nguồn nước sinh hoạt và môi trường sống bị ô nhiễm, làm những công việc thường xuyên tiếp xúc với đất và nước bẩn trong thời gian dài sẽ khiến vi khuẩn và vi nấm tích tụ trên da. Khi điều kiện thuận lợi, chúng sẽ phát triển mạnh và gây bệnh.

Sức đề kháng suy yếu: Bệnh nhân mắc các bệnh lý mãn tính như bệnh tiểu đường, bệnh gan thận, HIV... gây suy giảm miễn dịch và giảm khả năng chống chọi với bệnh tật. Do đó, các tác nhân gây hại sẽ dễ dàng xâm nhập qua da và gây ra bệnh. 

Tác dụng phụ của thuốc: Lạm dụng thuốc điều trị bệnh tổ đỉa hoặc mỹ phẩm có thể ảnh hưởng đến hàng rào bảo vệ da, tạo điều kiện cho dị nguyên dễ dàng xâm nhập vào sâu bên trong và gây bệnh.

Căng thẳng, stress: Stress kéo dài cũng là một nguyên nhân gây suy giảm đề kháng.

Nguyên nhân khác: Bị chàm cơ địa, nhiễm nấm, tiếp xúc thường xuyên với kim loại, rối loạn thần kinh giao cảm...

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải tổ đỉa?

Tất cả mọi đối tượng đều có nguy cơ mắc bệnh tổ đỉa. tuy nhiên, bệnh thường gặp phải nhất ở những người dưới 40 tuổi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải tổ đỉa

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Tổ đỉa, bao gồm:

  • Di truyền: Gia đình có người từng mắc tổ đỉa (đặc biệt là cha hoặc mẹ).

  • Làm việc, sinh hoạt trong môi trường độc hại.

  • Thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, kim loại.

  • Cơ địa dị ứng, mắc các bệnh gây suy giảm miễn dịch.

  • Bị stress tinh thần hoặc thể chất trong thời gian dài.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán tổ đỉa

Chẩn đoán xác định

Đánh giá lâm sàng: Mụn nước sâu, chìm khảm vào da, phân bố rải rác hay tập trung thành đám cụm khu trú lòng bàn tay, bàn chân.

Chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý:

Eczema vị trí bất kỳ: Bàn tay (thường ở mặt mu) xuất hiện mụn nước nông, phủ kín khắp bề mặt thương tổn; một thời gian sau sẽ tự vỡ hoặc liken hoá.

Nấm kẽ, nấm da do Trichophyton rubrum: Có xuất hiện mụn nước, bờ có viền hoặc đôi khi viền đứt quãng. Kết quả dương tính khi xét nghiệm tìm vi nấm.

Phương pháp điều trị tổ đỉa hiệu quả

Liệu pháp ánh sáng - Chiếu tia UVA

Chiếu tia UVA hoặc UVA-1 có thể kết hợp với psoralen uống hoặc bôi 2 - 3 lần mỗi tuần giúp cải thiện tình trạng nổi mụn nước và ngứa. Liều khởi đầu thường là 0,5J cho mỗi lần điều trị và tăng thêm 0,5J trong các lần tiếp theo.

Corticosteroid

Corticosteroid tại chỗ là phương pháp điều trị chính. Thông thường, ban đầu sử dụng steroid loại I, sau đó là loại II hoặc III dạng thuốc mỡ để thẩm thấu vào da tốt hơn kem bôi. 

Một số hoạt chất corticosteroid được chỉ định: Clobetasol propionate 0,05% hoặc Betamethasone dipropionate 0,05% bôi 2 lần/ngày trong 2 - 4 tuần. Có thể kết hợp với thuốc chống ngứa tại chỗ với pramoxine.

Trường hợp bệnh tiến triển, cân nhắc dùng corticosteroid toàn thân như prednisone uống hoặc hỗn dịch triamcinolone tiêm bắp.

Chất ức chế calcineurin

Thuốc ức chế calcineurin gồm tacrolimus và pimecrolimus. Ưu điểm của các thuốc này so với corticosteroid tại chỗ gồm ít bị sốc phản vệ, không gây giãn mao mạch, không gây mỏng và teo da. 

Onabotulinum toxin A

Được chỉ định trong các trường hợp nghiêm trọng, giúp giảm ngứa nhanh.

Thuốc ức chế miễn dịch

Chỉ định azathioprine, methotrexate, mycophenolate mofetil, cyclosporin hoặc etanercept trong trường hợp bệnh tổ đỉa nghiêm trọng. Cần tính toán liều lượng chính xác để tránh dùng quá liều và dẫn đến ngộ độc.

Nickel chelat hóa và Khellin

Thuốc niken chelat hóa, chẳng hạn như disulfiram (Antabuse), được chỉ định cho bệnh nhân còn nhạy cảm với nickel.

Khellin, một furano chromone tương tự như methoxypsoralen, có thể được sử dụng kết hợp với liệu pháp chiếu UVA cho các trường hợp bệnh nặng. Không giống như các psoralens khác, khellin không gây độc cho da và tăng sắc tố da khỏe mạnh sau khi xạ trị bằng tia UVA.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của tổ đỉa

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với các tác nhân có khả năng gây dị ứng như hoá chất, chất tẩy rửa, xà phòng, xăng dầu, lông động vật... Nếu cần phải tiếp xúc, nên mang găng tay và mặc đồ bảo hộ phù hợp.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung thực phẩm giàu protein, rau củ, trái cây tươi, vitamin và khoáng chất vào chế độ ăn hằng ngày để tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

  • Hạn chế sử dựng thực phẩm chứa nhiều đường tinh luyện, đồ chiên xào, cay nóng, thực phẩm dễ gây dị ứng như đậu phộng, hải sản...

Phương pháp phòng ngừa tổ đỉa hiệu quả

 Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Thường xuyên vệ sinh và giữ khô thoáng cơ thể, nhất là vùng lòng bàn tay bàn chân để tránh mồ hôi gây bí tắc, dễ gây tình trạng viêm da.

  • Sau khi tiếp xúc với các nguồn ô nhiễm, cần vệ sinh ngay bằng xà phòng diệt khuẩn.

  • Uống đủ nước, có thể sử dụng các loại nước ép trái cây tươi để thúc đẩy đào thải độc tố trong cơ thể.

  • Làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng kéo dài.

  • Thường xuyên vận động và luyện tập thể dục để tăng cường sức khoẻ và khả năng đề kháng.

Nguồn tham khảo

1. http://www.benhvien103.vn/to-dia/

2. https://emedicine.medscape.com/article/1122527-treatment

3. https://soyte.ninhbinh.gov.vn/soyte-ninhbinh/1217/27199/46398/170253/Y-hoc-co-truyen/Benh-to-dia--Nguyen-nhan--Bieu-hien--Cach-phong-ngua.aspx

4. https://suckhoedoisong.vn/doi-pho-voi-benh-to-dia-16967415.htm

Các bệnh liên quan

  1. Sẹo rỗ

  2. Chân tay lạnh

  3. Mụn lưng

  4. Bệnh ấu trùng da di chuyển

  5. Viêm da cơ địa

  6. Khô môi

  7. Viêm da

  8. Bướu mạch máu

  9. Bỏng da

  10. Hạ cam mềm