Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Đau nhức toàn thân là gì? Nguyên nhân gây ra bệnh, triệu chứng và cách điều trị bệnh

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đau nhức toàn thân là một tình trạng phổ biến thường gặp, nhất là sau khi chơi thể thao hoặc vận động mạnh. Tuy nhiên, một trong số trường hợp đó lại là triệu chứng của một bệnh lý nguy hiểm. Vậy, đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng đau nhức toàn thân và những biện pháp cải thiện bệnh hiệu quả như thế nào?

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Đau nhức toàn thân là gì?

Đau nhức toàn thân là một tình trạng thường gặp. Người bệnh thường cảm thấy đau nhức khắp cơ thể, mệt mỏi, uể oải và thêm những triệu chứng khác. Đau nhức toàn thân khiến người bệnh chỉ muốn nằm nghỉ ngơi và không còn tâm trí cũng như khả năng tập trung để có thể làm việc được.

Có nhiều nguyên nhân khiến cơ thể mệt mỏi, phần lớn là do thói quen sinh hoạt như vận động mạnh, chơi thể thao quá sức,… Tuy nhiên, đau nhức toàn thân đôi khi là một triệu chứng của bệnh lý nào đó. Vì vậy, khi có những triệu chứng đau nhức toàn thân mà không rõ lý do hoặc tình trạng đau kéo dài mà không thuyên giảm, người bệnh cần tới gặp bác sĩ để chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh đau nhức toàn thân

Triệu chứng điển hình của đau nhức toàn thân là cảm thấy nhức mỏi ở toàn thân, các cơ đau nhức ở một vị trí rồi lan ra khắp cơ thể. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp một vài triệu chứng khác, như là:

Xuất hiện những cơn đau âm ỉ ở khắp người như chân, tay, xương khớp, bắp thịt,… xảy ra trong một thời gian ngắn hoặc kéo dài.

Cảm thấy cơ thể mệt mỏi, thiếu sức sống, không muốn hoạt động làm việc, chỉ muốn nằm nghỉ ngơi.

Có cảm giác ớn lạnh, rùng mình mà không rõ lý do, mặc dù thời tiết nóng nhưng vẫn thấy lạnh dọc cơ thể, nhất là ở bàn tay và bàn chân.

Thân nhiệt của cơ thể thay đổi thất thường, lúc nóng lúc lạnh.

Đau nhức đột ngột không rõ lý do, nhất là đau đầu, đau cơ,…

Cơn đau tăng lên vào lúc thời tiết thay đổi, vận động quá sức, tinh thần không thoải mái, stress,…

Ngủ không ngon giấc, hay bị thức giấc giữa chừng.

Cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, đau ngực, khó thở, dễ nhạy cảm, lo âu,…

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Thông thường, đau nhức toàn thân là một biểu hiện bình thường của cơ thể, đặc biệt là sau khi vận động mạnh hoặc chơi thể thao. Tuy nhiên, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn nếu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

Cơn đau không thuyên giảm dù đã uống thuốc hoặc dùng các biện pháp khắc phục tại nhà.

Đau nhức dữ dội mà không rõ lý do.

Cơn đau kèm theo phát ban, mẩn đỏ hoặc sưng tấy nghiêm trọng.

Đau nhức cơ thể khi bị côn trùng cắn.

Cơn đau xuất hiện khi sử dụng một loại thuốc cụ thể nào đó.

Đau kèm theo sốt cao hoặc sốt dai dẳng.

Cơ thể ngất xỉu, co giật và mất ý thức.

Đau tức ngực, nhạy cảm với ánh sáng, thị lực kém dần.

Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ làm giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn có thể mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây đến đau nhức toàn thân

Đau nhức toàn thân là một tình trạng phổ biến thường gặp. Nguyên nhân chủ yếu là do thói quen sinh hoạt không lành mạnh. Người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi và điều trị tại nhà để giảm cơn đau nhức cơ thể. Tuy nhiên, đây cũng là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe của bạn đang gặp vấn đề.

Sau đây là một số nguyên nhân dẫn tới đau nhức toàn thân của người bệnh:

Stress

Khi bị stress, hệ thống miễn dịch không thể kiểm soát phản ứng viêm trong cơ thể. Điều này khiến cho bạn thường xuyên đau nhức vì dễ bị viêm và nhiễm trùng khắp cơ thể.

Mất nước

Nước là một thành phần quan trọng cho hoạt động bình thường và khỏe mạnh trong cơ thể. Mất nước đôi khi làm cho bạn cảm thấy mệt mỏi và đau nhức.

Thiếu ngủ

Các nhà nghiên cứu cho rằng có thể có mối liên hệ hai chiều giữa cơn đau và giấc ngủ. Những người bị đau mạn tính thường khó ngủ. Và ngược lại, những người khó ngủ thường bị đau mạn tính. Bạn có thể bị kiệt sức nếu không ngủ đủ giấc. Điều này cũng khiến cho cơ thể bạn cảm thấy đau nhức, nặng nề và uể oải.

Viêm phổi

Khi viêm phổi, bạn sẽ không nhận đủ oxy khiến cho những tế bào hồng cầu và các mô trong cơ thể không hoạt động bình thường gây ra tình trạng đau nhức.

Cảm lạnh hoặc cảm cúm

Khi bị virus cảm lạnh, cúm tấn công sẽ khiến cho các cơ của bạn đau nhức, nhất là ở lưng, tay và chân. Điều này xảy ra bởi hệ thống miễn dịch của bạn đang cố gắng chống lại những virus trên.

Thiếu máu

Khi bạn bị thiếu máu, các mô không thể nhận đủ oxy để duy trì sức khỏe hoặc những hoạt động bình thường khác.

Thiếu vitamin D

Một số cơ quan quan trọng trong cơ thể như thận, cơ và xương phải dựa vào canxi để hoạt động bình thường. Nếu không đủ vitamin D để giúp cơ thể bạn hấp thu canxi, bạn sẽ cảm thấy đau những ở những cơ quan và thậm trí ở trong xương.

Hội chứng mệt mỏi mạn tính

Hội chứng mệt mỏi mạn tính (CFS) là một tình trạng khiến cho bạn cảm thấy kiệt sức và yếu ớt cho dù bạn nghỉ ngơi.

Viêm khớp

Viêm khớp xảy ra khi khớp của bạn bị viêm, điều này có thể do sụn xung quanh khớp của bạn bị phá vỡ như viêm xương khớp, hoặc tình trạng tự miễn dịch làm lớp niêm mạc xung quanh khớp bị bào mòn như viêm khớp dạng thấp. Những điều này sẽ khiến xương khớp bị đau nhức và hạn chế vận động.

Rối loạn tự miễn

Một số rối loạn tự miễn dịch có thể gây đau nhức cơ thể như Lupus ban đỏ, bệnh đa xơ cứng hoặc viêm cơ,…

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) đau nhức toàn thân?

Thông thường phụ nữ thường bị đau nhức toàn thân hơn nam giới, bệnh thường phổ biến ở những người từ 30 - 55 tuổi. Tuy nhiên, ở một vài trường hợp bệnh có thể xảy ra ở trẻ em.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) đau nhức toàn thân

Nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị đau nhức toàn thân như là:

Bị stress, mệt mỏi, lo âu.

Vận động mạnh.

Người bị mắc bệnh lý thoái hóa xương khớp.

Bị mất ngủ trong thời gian dài.

Thiếu máu, vitamin D.

Người bị một số bệnh rối loạn tự miễn.

Viêm phổi, cảm cúm, cảm lạnh.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán đau nhức toàn thân

Bác sĩ có thể chẩn đoán đau nhức toàn thân thông qua tiền sử bệnh, những triệu chứng lâm sàng.

Không có xét nghiệm riêng biệt nào để chẩn đoán đau nhức toàn thân. Thông thường, bác sĩ sẽ làm xét nghiệm máu để loại trừ những tình trạng khác có thể gây ra triệu chứng của người bệnh. Xét nghiệm máu bao gồm:

Tốc độ lắng máu.

Hàm lượng tế bào máu.

Yếu tố dạng thấp.

Xét nghiệm kháng peptide dạng vòng (anti - CCP).

Thử nghiệm chức năng tuyến giáp.

Phương pháp điều trị đau nhức toàn thân

Bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng của người bệnh để đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. Việc điều trị đau nhức toàn thân chủ yếu vào việc giảm thiểu những triệu chứng và cải thiện sức khỏe người bệnh.

Điều trị bằng thuốc

Thuốc giảm đau: Trường hợp cơn đau xảy ra do bệnh lý xương khớp, bệnh nhiễm khuẩn gây sốt và sưng tấy thì có thể dùng những loại thuốc giảm đau, hạ sốt như: NSAIDs, Tylenol,.. Ngoài ra, có thể sử dụng thuốc giảm đau tại chỗ như dạng xịt, kem, thuốc nước để giảm đau và viêm do đau khớp, đau cơ.

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định một số thuốc có tác dụng mạnh hơn như: Thuốc giãn cơ, chống lo âu như Diazepam, thuốc chống trầm cảm như Duloxetine,…

Trường hợp cần thiết bác sĩ có thể chỉ định tiêm steroid tại khớp để giảm viêm và sưng.

Điều trị không dùng thuốc

Vật lý trị liệu: Để giúp người bệnh cải thiện sức khỏe, bác sĩ có thể đưa ra một số bài tập vật lý trị liệu trong quá trình điều trị.

Châm cứu: Giúp thay đổi lưu lượng máu, ngoài ra, có thể làm giảm các chứng đau nhức trong cơ thể.

Xoa bóp, massage: Giúp cơ thể sinh nhiệt, thúc đẩy lưu thông máu tới những vị trí bị đau nhức, từ đó có thể giúp cơ thể được thư giãn hơn.

Chườm nóng: Chườm với nước ấm vừa phải trong khoảng 15 – 20 sẽ giúp giãn mao mạch tại chỗ và những động mạch nhỏ, từ đó giúp tăng tuần hoàn máu.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của đau nhức toàn thân

Chế độ dinh dưỡng

Uống nhiều nước: Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.

Bổ sung nhiều trái cây, rau xanh trong chế độ ăn.

Hạn chế những thực phẩm nhiều chất béo, đồ ăn dễ gây kích ứng.

Cân bằng giữa lượng đạm, chất xơ, chất béo, vitamin, tinh bột ở mỗi bữa ăn.

Chế độ sinh hoạt:

Cần phải tuân thủ những hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.

Duy trì một lối sống tích cực và hạn chế stress, căng thẳng.

Trong quá trình điều trị, khi gặp những điều bất thường nên liên hệ ngay với bác sĩ.

Để theo dõi diễn tiến của bệnh cũng như tình trạng sức khỏe nên thăm khám định kỳ để giúp bác sĩ tìm ra hướng điều trị thích hợp trong thời gian tiếp theo nếu tình trạng bệnh của có dấu hiệu thuyên giảm.

Phương pháp phòng ngừa đau nhức toàn thân hiệu quả

Dưới đây là một số cách đơn giản có thể giúp phòng ngừa đau nhức toàn thân, cụ thể:

Ngủ đủ giấc.

Luôn để tinh thần thoải mái, lạc quan, hạn chế stress, áp lực.

Tập những bài tập thể dục phù hợp, tránh vận động mạnh.

Hạn chế những chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia,…

Khi có triệu chứng của đau nhức toàn thân, nên đi khám bác sĩ để có thể chẩn đoán chính xác nguyên nhân và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Xem thêm: 

Nguồn tham khảo
  1. https://www.healthline.com/health/body-aches#lupus

  2. https://www.medicalnewstoday.com/articles/319985#outlook
Chủ đề:đau nhức

Các bệnh liên quan

  1. Bệnh beriberi

  2. Thoái hóa khớp ngón tay

  3. Viêm khớp vảy nến

  4. Viêm khớp bàn chân

  5. Hội chứng ống cổ tay

  6. Đau lưng

  7. Bại liệt

  8. Còi xương

  9. Rách sụn viền khớp vai

  10. Đau khớp khuỷu tay