Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Còi xương là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Còi xương là bệnh thường gặp ở trẻ từ 6 – 36 tháng tuổi, tuy nhiên, người lớn cũng có thể mắc bệnh này nếu chế độ ăn thiếu dinh dưỡng. Đây là một bệnh dễ điều trị, điều quan trọng là cần phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh để nhanh chóng có biện pháp cải thiện, tránh các biến chứng đáng tiếc có thể gây dị tật đến suốt đời.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Còi xương là gì?

Còi xương (Rickets) là tình trạng loạn dưỡng xương ở trẻ em do thiếu hụt vitamin D, canxi hoặc phosphate. Điều này có thể dẫn đến xương mềm (Osteomalacia) và yếu, gãy xương, đau xương và cơ cũng như biến dạng xương.

Khi có sự thiếu hụt các chất này, nồng độ calcium và phosphate trong máu giảm, cơ thể có thể sản xuất ra các hormone khiến giải phóng calcium và phosphate khỏi xương, gây còi xương và nhuyễn xương.

Triệu chứng

Những dấu hiệu của còi xương

Thường sẽ thấy các dấu hiệu trên cơ xương của bệnh nhân như:

  • Đau hoặc yếu ở xương cánh tay, chân, xương chậu và cột sống
  • Giảm trương lực cơ, yếu cơ và tình trạng này sẽ tệ hơn nếu không điều trị.
  • Biến dạng răng, chậm mọc răng ở trẻ, khiếm khuyết trong cấu trúc răng, có lỗ trên men răng, dễ bị sâu răng.
  • Trẻ tăng trưởng kém, chậm lớn.
  • Dễ gãy xương.
  • Thường bị chuột rút .
  • Tầm vóc thấp (người lớn cao dưới 1,52m).
  • Các dị tật về xương như hộp sọ có hình dạng kỳ lạ, chân vòng kiềng, có chuỗi hạt sườn còi xương, xương ức bị đẩy về phía trước, dị dạng xương chậu và dị dạng cột sống (cột sống cong bất thường, cong vẹo cột sống).

Tác động của còi xương đối với sức khỏe 

Ngoài việc gây đau đớn, còi xương còn dẫn đến yếu xương, nhuyễn xương, dị tật xương, dễ gãy xương và răng. Nếu không chữa trị kịp thời, còi xương có thể làm bệnh nhân bị dị tật vĩnh viễn kèm các cơn đau xương mạn tính. 

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh còi xương

Nếu tình trạng còi xương không được khắc phục trong khi trẻ vẫn đang phát triển, các dị tật về xương, đau xương mạn tính, xương dễ gãy có thể tồn tại vĩnh viễn và khiến trẻ có tầm vóc thấp bé. Nếu sớm điều trị khi trẻ còn nhỏ, các dị tật về xương thường được cải thiện hoặc biến mất theo thời gian.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến còi xương

Cơ thể trẻ em cần vitamin D để hấp thụ canxi và phốt pho từ thực phẩm. Bệnh còi xương có thể xảy ra nếu cơ thể bé không nhận đủ vitamin D hoặc nếu cơ thể trẻ gặp vấn đề trong việc sử dụng vitamin D đúng cách. Đôi khi, không nhận đủ canxi hoặc thiếu canxi (Hypocalcemia) và vitamin D có thể gây ra bệnh còi xương.

Thiếu vitamin D

Trẻ không nhận đủ vitamin D từ hai nguồn này có thể bị thiếu hụt:

  • Ánh nắng. Da của trẻ sẽ sản xuất vitamin D khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. 
  • Đồ ăn. Dầu cá, lòng đỏ trứng và các loại cá béo như cá hồi, cá thu đều chứa vitamin D. Vitamin D cũng đã được bổ sung vào một số thực phẩm và đồ uống như sữa, ngũ cốc và một số nước ép trái cây.

Vấn đề với sự hấp thụ

Một số trẻ sinh ra đã mắc hoặc phát triển các tình trạng bệnh lý ảnh hưởng đến cách cơ thể hấp thụ vitamin D. Một số ví dụ bao gồm:

  • Bệnh celiac
  • Bệnh viêm đường ruột
  • Bệnh xơ nang
  • Vấn đề về thận

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải còi xương?

  • Người thường xuyên làm việc trong nhà vào ban ngày, không tham gia các hoạt động ngoài trời.
  • Người có chế độ ăn uống không đủ bổ sung vitamin D, Calcium và phosphate (không uống sữa hoặc các sản phẩm từ sữa, ít ăn rau xanh, theo chế độ ăn chay...).
  • Người nhiễm toan ống thận, rối loạn thận khiến thận không giữ được phosphate.
  • Người rối loạn chức năng gan (do không thể chuyển đổi vitamin D sang dạng hoạt động).

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc còi xương

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc còi xương, bao gồm:

  • Sống ở khu vực địa lý có ít ánh sáng mặt trời.
  • Sống ở các nước nghèo, kém phát triển, chế độ ăn không đủ cung cấp dinh dưỡng.
  • Trẻ em có da sẫm màu (trẻ gốc Phi, vùng đảo Thái Bình Dương, Trung Đông) ít tạo vitamin D khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hơn trẻ da sáng màu.
  • Trẻ sơ sinh bú mẹ có thể thiếu vitamin D do sữa mẹ không đủ cung cấp.
  • Trẻ sinh ra từ mẹ bị thiếu hụt vitamin D trong thời kỳ mang thai, trẻ sinh non.
  • Trẻ em thời kỳ tăng trưởng nhanh (cần lượng lớn Calcium và phosphate). Bệnh thường gặp ở trẻ từ 6 – 36 tháng tuổi.
  • Không dung nạp lactose.
  • Di truyền.
  • Khó tiêu, giảm khả năng hấp thụ chất béo khiến cơ thể khó hấp thu vitamin D.
  • Một số thuốc như thuốc chống động kinh, thuốc điều trị HIV có thể cản trở khả năng sử dụng vitamin D của cơ thể.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán còi xương

Bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về các triệu chứng, đặc trưng là đau nhức ở xương nhưng không đau ở khớp hoặc cơ. Sau đó có thể thực hiện các xét nghiệm sau để chẩn đoán chính xác hơn:

  • Xét nghiệm khí máu động mạch.
  • Xét nghiệm máu (nồng độ Calcium và phosphate huyết thanh, ALP, hormone tuyến cận giáp PTH).
  • Xét nghiệm nước tiểu (calci niệu).
  • Sinh thiết xương.
  • Chụp X quang xương để phát hiện các dị tật về xương 

Phương pháp điều trị còi xương hiệu quả

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp. 

  • Bổ sung vitamin D và canxi qua thức ăn hoặc dạng viên uống theo liều chỉ định của bác sĩ.
  • Khuyên bệnh nhân tăng cường tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Trường hợp thiếu vitamin D do vấn đề chuyển hóa, có thể sử dụng thuốc bổ sung vitamin D3.
  • Nếu có biến dạng xương, có thể cần sử dụng đến các nẹp cố định xương, trường hợp nặng có thể cần phải phẫu thuật chỉnh xương.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của còi xương

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái. 
  • Tham gia các hoạt động ngoài trời để cơ thể được hấp thu vitamin D từ ánh nắng khoảng 8 – 9 giờ sáng.

Chế độ dinh dưỡng:

Sử dụng các thực phẩm giàu vitamin D, Calcium và phosphate (cá béo, sữa, trứng, ngũ cốc, rau xanh…).

Phương pháp phòng ngừa còi xương hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Cung cấp đủ vitamin D, Calcium và phosphate trong chế độ ăn hàng ngày.
  • Bổ sung đủ vitamin D trong thai kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
  • Nếu bị kém hấp thu vitamin D do rối loạn chức năng thận, cần điều trị ngay lập tức.
  • Thường xuyên cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời khi nắng sớm. Tuy nhiên, không nên phơi nắng quá nhiều và cần sử dụng kem chống nắng khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Xem thêm:

Các bệnh liên quan

  1. Chấn thương

  2. Viêm khớp ngón chân cái

  3. Gout cấp tính

  4. Viêm bao hoạt dịch

  5. Són phân

  6. Viêm khớp cổ tay

  7. Thoái hóa khớp cổ chân

  8. Viêm khớp vai

  9. Gai khớp gối

  10. Viêm cơ