Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Biến dạng cổ thiên nga: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Ngày 30/10/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Biến dạng cổ thiên nga là tình trạng các khớp ngón tay biến dạng và lệch trục. Bệnh lý này có thể ảnh hưởng đến vận động của các ngón tay. Tần suất biến dạng cổ thiên nga do chấn thương không phổ biến ở một độ tuổi hoặc giới tính nào cụ thể. Tuy nhiên, biến dạng cổ thiên nga liên quan đến viêm khớp dạng thấp lại phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Biến dạng cổ thiên nga là gì?

Biến dạng cổ thiên nga là một biến dạng của ngón tay được đặc trưng bởi sự duỗi quá mức của khớp liên đốt gần và sự uốn cong quá mức của khớp liên đốt xa. Sự uốn cong đối xứng của khớp bàn ngón tay cũng có thể xảy ra. Biến dạng cổ thiên nga là do cơ chế co duỗi của ngón tay bị mất cân bằng. Sự mất cân bằng có thể là do một vết rách hoặc lực kéo căng đáng kể của gân duỗi trên đốt ngón xa hoặc do sự siết chặt và kéo của cơ chế duỗi, cả bên trong và bên ngoài ở khớp liên đốt gần.

Biến dạng cổ thiên nga thường ít ảnh hưởng đến ngón tay cái, chủ yếu ảnh hưởng đến ngón tay còn lại. Vì hình dáng của ngón tay trong bệnh lý này giống cổ thiên nga nên được gọi tên là biến dạng cổ thiên nga.

Các thành phần có thể bị ảnh hưởng trong bệnh lý biến dạng cổ thiên nga:

  • Các xương đốt ngón tay;
  • Các khớp liên đốt và khớp xương bàn ngón tay;
  • Gân cơ;
  • Dây chằng.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của biến dạng cổ thiên nga

Biến dạng cổ thiên nga là một bệnh lý cục bộ, chỉ ảnh hưởng đến các ngón tay của bàn tay. Các triệu chứng của người bệnh sẽ thay đổi tùy thuộc vào giai đoạn bệnh của họ, bao gồm:

  • Ngón tay uốn cong: Biến dạng cổ thiên nga có thể bắt đầu bằng việc cong chỉ một khớp ngón tay hoặc thay đổi nhẹ ở cả hai khớp liên đốt gần và liên đốt xa.
  • Đau khớp: Một triệu chứng ban đầu khác của biến dạng cổ thiên nga, đau có thể xuất hiện khi co duỗi các khớp ngón tay.
  • Biến dạng ngón tay: Ở giai đoạn sau của biến dạng cổ thiên nga, các triệu chứng có thể nhận biết rõ ràng. Khi khớp liên đốt gần duỗi quá mức và khớp liên đốt xa cong quá mức, ngón tay bắt đầu giống cổ thiên nga.

Biến chứng có thể gặp khi mắc biến dạng cổ thiên nga

Biến dạng cổ thiên nga dẫn đến một số biến chứng như:

  • Hạn chế vận động bàn tay và ngón tay, khó khăn trong việc cầm nắm đồ vật.
  • Biến dạng các khớp ngón tay.
  • Cứng khớp, thoái hóa khớp.
  • Đau mạn tính các khớp bàn ngón tay và khớp ngón tay.
  • Ảnh hưởng chất lượng cuộc sống và tâm lý người bệnh.
Biến dạng cổ thiên nga: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 4
Đau mạn tính khớp ngón tay biến dạng cổ thiên nga

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có các triệu chứng đau các khớp ngón tay, ngón tay khó khăn khi co duỗi hoặc ngón tay bị uốn cong và có các bệnh lý nền như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vẩy nến, Parkinson,... nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến biến dạng cổ thiên nga

Biến dạng cổ thiên nga phát triển do mất cơ chế duỗi ở đốt xa hoặc do cơ chế duỗi ở đốt xa bị kéo căng quá mức. Ban đầu, biến dạng cổ thiên nga có thể phát triển do mất cân bằng gân duỗi ở khớp liên đốt xa, theo thời gian có thể tiến triển thành biến dạng đặc trưng. Chấn thương ở gân này có thể xảy ra do những nguyên nhân sau:

  • Một vết rách do chấn thương ở gân duỗi.
  • Đứt khép kín do một tổn thương trực tiếp vào đốt ngón xa ở mặt duỗi.
  • Suy yếu do viêm mạn tính ở khớp liên đốt xa cùng với bán trật gân duỗi do viêm khớp dạng thấp hoặc bất kỳ quá trình viêm nào khác.

Sự duỗi quá mức của khớp liên đốt gần có thể là do sự căng cứng của các cơ bên trong và lực kéo tăng lên ở khớp trung tâm. Điều này có thể là thứ phát sau viêm khớp dạng thấp, co cứng sau chấn thương sọ não, hoặc đột quỵ não hoặc căng cơ tự phát. Sự lỏng lẻo của gân gấp mặt lòng bàn tay cũng là nguyên nhân gây ra biến dạng cổ thiên nga và sự duỗi quá mức ở khớp liên đốt gần. 

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải biến dạng cổ thiên nga?

Một số đối tượng có nguy cơ cao mắc biến dạng cổ thiên nga, bao gồm:

  • Người bệnh viêm khớp dạng thấp;
  • Người bệnh viêm khớp vẩy nến;
  • Người bệnh bại não;
  • Người bệnh xơ cứng bì;
  • Người bệnh sau đột quỵ não;
  • Người bệnh Parkinson;
  • Người có tiền căn chấn thương ở bàn tay.
Biến dạng cổ thiên nga: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 5
Bệnh Parkinson làm tăng nguy cơ biến dạng cổ thiên nga

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải biến dạng cổ thiên nga

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải tình trạng biến dạng cổ thiên nga là:

  • Rối loạn mô liên kết;
  • Các bệnh lý về khớp như viêm khớp, thoái hóa khớp;
  • Chấn thương bàn tay và ngón tay;
  • Tổn thương thần kinh trung ương như đột quỵ, Parkinson, bại não;
  • Rối loạn sản xuất collagen trong các bệnh lý di truyền như Hội chứng Ehlers-Danlos.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán biến dạng cổ thiên nga

Bác sĩ có thể chẩn đoán biến dạng cổ thiên nga bằng thăm khám lâm sàng và nhìn vào cấu trúc ngón tay của bạn. Họ cũng sẽ hỏi bạn về tiền sử bệnh cá nhân và gia đình của bạn cũng như về bất kỳ chấn thương nào mà bạn có thể gặp phải liên quan đến bàn tay bị ảnh hưởng.

Mức độ nghiêm trọng của biến dạng cổ thiên nga thường được phân loại bằng cách sử dụng hệ thống phân loại Nalebuff. Hệ thống phân loại này dựa trên độ cứng của khớp liên đốt gần với các vị trí khớp bàn ngón tay liên quan.

  • Loại 1: Khớp liên đốt gần linh hoạt ở mọi vị trí của khớp bàn ngón tay.
  • Loại 2: Khả năng uốn cong khớp liên đốt gần bị hạn chế ở một số vị trí nhất định của khớp bàn ngón tay.
  • Loại 3: Khả năng uốn khớp liên đốt gần bị hạn chế bất kể vị trí của khớp bàn ngón tay.
  • Loại 4: Các khớp liên đốt gần cứng và có tổn thương trên hình ảnh X-quang.

Biến dạng Boutonniere có thể bị nhầm lẫn với biến dạng cổ thiên nga. Điều quan trọng là phải nhận ra rằng biến dạng Boutonniere bao gồm sự duỗi quá mức của khớp liên đốt xa và sự uốn cong của khớp liên đốt gần. Biến dạng cổ thiên nga thì ngược lại.

Một số cận lâm sàng được bác sĩ chỉ định thực hiện để hỗ trợ chẩn đoán bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Đánh giá sự tiến triển của các bệnh lý viêm khớp như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vẩy nến,...
  • X-quang bàn tay: Xác định mức độ biến dạng và lệch trục của các ngón tay.
Biến dạng cổ thiên nga: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 6
Hình X-quang biến dạng cổ thiên nga

Phương pháp điều trị biến dạng cổ thiên nga hiệu quả

Có nhiều lựa chọn điều trị khác nhau cho biến dạng cổ thiên nga. Có hai loại điều trị chính gồm phẫu thuật và điều trị bảo tồn (không phẫu thuật).

Điều trị bảo tồn (không phẫu thuật)

Điều trị bảo tồn tập trung vào việc khôi phục tính linh hoạt của khớp liên đốt gần và căn chỉnh lại cấu trúc của bàn tay và các ngón tay.

  • Cố định khớp: Việc cố định khớp liên đốt gần cũng có thể đồng thời cố định khớp khớp liên đốt xa.
  • Trị liệu bằng tay: Được thực hiện bởi bác sĩ vật lý trị liệu - phục hồi chức năng. Phương pháp điều trị này sử dụng phương pháp kéo giãn, xoa bóp và vận động khớp để giúp khôi phục chức năng và sự liên kết của các ngón tay và bàn tay.
  • Thuốc giảm đau không steroid (NSAIDs): Được kê đơn trong trường hợp người bệnh co kéo khớp ngón tay quá mức dẫn đến đau các khớp.
  • Các thuốc điều trị nền tảng của các bệnh căn nguyên (viêm khớp dạng thấp, Parkinson,...)

Phẫu thuật

Do tính chất tiến triển của bệnh lý này, các phương pháp điều trị không phẫu thuật có thể không hiệu quả. Những trường hợp biến dạng cổ thiên nga nghiêm trọng, cũng như những trường hợp không đáp ứng với các liệu pháp điều trị bảo tồn và nẹp, có thể sẽ phải phẫu thuật.

Có một số lựa chọn phẫu thuật, bao gồm:

  • Phẫu thuật mô mềm: Điều này liên quan đến việc giải phóng, căn chỉnh và cân bằng các dây chằng xung quanh khớp liên đốt gần. Sau phẫu thuật, hầu hết người bệnh sẽ được tập vật lý trị liệu để hỗ trợ phục hồi.
  • Phẫu thuật cố định khớp ngón tay: Bác sĩ có thể cố định một khớp bị ảnh hưởng để giảm chuyển động của nó. Việc cố định khớp ngón tay có thể ổn định khớp, giảm đau và tránh biến dạng thêm. Tuy nhiên, phương pháp này sẽ gây hạn chế khả năng vận động của khớp.
  • Thay khớp: Điều này liên quan đến việc thay thế một phần hoặc toàn bộ khớp liên đốt gần ở các ngón tay bị ảnh hưởng. Bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ và thay thế cả hai phần dây chằng xung quanh khớp. Sau khi thay dây chằng mới, bác sĩ phẫu thuật thường sẽ tái tạo lại một số mô mềm để giúp khôi phục khả năng cử động của ngón tay.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của biến dạng cổ thiên nga

Chế độ sinh hoạt:

  • Hạn chế thực hiện những động tác cần sự tham gia của các khớp bị tổn thương.
  • Tự xoa bóp vùng bàn tay và ngón tay giúp tăng cường vi tuần hoàn.
  • Uống thuốc theo toa của bác sĩ chuyên khoa và tái khám định kỳ.
  • Tự luyện tập các bài tập vật lý trị liệu dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Biến dạng cổ thiên nga: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 7
Xoa bóp bàn tay để hạn chế cơn đau và cải thiện tuần hoàn

Chế độ dinh dưỡng:

  • Các loại cá béo: Chứa nhiều omega 3 có khả năng chống viêm nhờ ức chế các cytokine gây viêm. Bạn có thể bổ sung cá hồi, cá thu, cá mòi, cá trích,... vào thực đơn.
  • Các loại hạt: Là nguồn cung cấp calci, magie, phospho,... rất tốt cho xương khớp. Bạn có thể bổ sung hạnh nhân, đậu phộng, mắc ca,... vào thực đơn.
  • Sữa và các chế phẩm từ sữa: Chứa nhiều calci và vitamin D giúp xương chắc khỏe.
  • Cà chua: Chứa nhiều vitamin, chất chống oxy hóa và collagen có tác dụng kháng viêm và hỗ trợ cấu tạo sụn khớp.

Phương pháp phòng ngừa biến dạng cổ thiên nga hiệu quả

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa khảo sát được các biện pháp phòng ngừa biến dạng cổ thiên nga. Bạn có thể áp dụng một số cách làm bên dưới giúp giảm nguy cơ mắc bệnh lý trên:

  • Kiểm soát tốt các bệnh lý căn nguyên như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vẩy nến, Parkinson, xơ cứng bì,...
  • Tập luyện thể dục thể thao đều đặn với cường độ phù hợp.
  • Tránh hoạt động quá sức các khớp ngón tay.
  • Tránh thói quen bẻ khớp ngón tay.
  • Bổ sung các loại thực phẩm có lợi cho xương khớp chứa calci, vitamin D, phospho, chất chống oxy hóa,...
Nguồn tham khảo
  1. Lane R, Nallamothu SV. Swan-Neck Deformity. 2023 Jun 26. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2023 Jan–. PMID: 30247845.
  2. Hahn AK, Corvi JJ, Hammarstedt JE, Palmer B. Swan Neck Deformity: An Unusual Complication Following Trigger Finger Release. J Orthop Case Rep. 2023 May;13(5):20-23. doi: 10.13107/jocr.2023.v13.i05.3630
  3. Swan-Neck Deformity: https://www.msdmanuals.com/home/bone,-joint,-and-muscle-disorders/hand-disorders/swan-neck-deformity
  4. What Is Swan Neck Deformity?: https://www.verywellhealth.com/what-is-swan-neck-deformity-5205943
  5. What to know about swan neck deformity: https://www.medicalnewstoday.com/articles/318642

Các bệnh liên quan