Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Xét nghiệm creatinin và ý nghĩa của creatinin trong chẩn đoán suy thận

Ngày 23/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Các bệnh lý về thận không còn quá xa lạ với nhiều người và một trong những công cụ hỗ trợ chẩn đoán, theo dõi, tiên lượng chức năng của thận đó chính là xét nghiệm creatinin. Hôm nay hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về xét nghiệm creatinin qua bài viết này nha!

Một trong những chỉ số dùng để theo dõi cũng như đánh giá chức năng thận được dùng phổ biến hiện nay đó chính là creatinin. Vậy xét nghiệm creatinin là gì? Xét nghiệm creatinin có ý nghĩa gì trong bệnh suy thận?

Xét nghiệm creatinin là gì?

Creatinin chính là sản phẩm của quá trình thoái hóa creatin trong cơ. Ở trong cơ thể thì creatinin có 02 nguồn gốc đó là nội sinh (tổng hợp từ gan, từ arginine và methionine) và ngoại sinh (nguồn từ thức ăn).

Trong quá trình chuyển hóa thì creatinin được lọc qua cầu thận và tái hấp thu ở ống thận, nên khi xét nghiệm thì nồng độ creatinin phản ánh chính xác chức năng lọc của thận. Từ đó có thể gợi ý tình trạng bệnh trong chẩn đoán xác định.

Vậy xét nghiệm creatinin được chỉ định thực hiện khi nào? Khi chức năng thận của cơ thể bị suy giảm bởi bất cứ nguyên nhân nào thì mức độ creatinin trong máu sẽ tăng lên do khả năng thanh thải creatinin của thận kém đi. Ngoài ra thì xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu 24 giờ cũng được dùng để đo độ thanh thải của creatinin từ đó đánh giá được tốc độ lọc của thận.

Xét nghiệm creatinin và ý nghĩa của creatinin trong chẩn đoán suy thận
Xét nghiệm creatinin thường được chỉ định khi chức năng thận suy giảm

Ở người trưởng thành, nồng độ creatinin máu bình thường như sau:

  • Ở nam giới từ 0.6 - 1.2 mg/dL (53 - 106 mmol/l).
  • Ở nữ giới từ 0.5 - 1.1 mg/dL (44 - 97 mmol/l).

Tuy nhiên một số yếu tố khác cũng tác động và làm thay đổi nồng độ creatinin như: Sau bữa ăn có chứa lượng lớn protein, máu bị vỡ hồng cầu, thời gian lấy bệnh phẩm (nồng độ creatinin cao nhất vào cuối buổi chiều và thấp nhất lúc 7 giờ sáng),...

Bệnh nhân sẽ được nhân viên y tế lấy bệnh phẩm nếu chỉ định bệnh phẩm là máu, còn bệnh phẩm là nước tiểu trong 24 giờ thì bệnh nhân tự lấy và nộp lại cho nhân viên y tế để mang đi phân tích kết quả. Creatinin là một xét nghiệm khá thường quy nên có thể làm ở bất cứ bệnh viện nào.

Khi kết quả trả về là nồng độ creatinin giảm so với bình thường thì nguyên nhân có thể do suy nhược cơ thể, gan mạn tính, suy cơ, loạn dưỡng hoặc có thai, ăn chay, dùng thuốc,... Còn nồng độ creatinin tăng thì nguy cơ mắc các bệnh lý về thận viêm bể thận, viêm cầu thận, suy thận,...

Để chẩn đoán bệnh một cách chính xác thì bác sĩ không thể chỉ dựa vào kết quả của xét nghiệm creatinin mà còn dựa vào các triệu chứng lâm sàng cùng những cận lâm sàng khác. Giá trị của creatinin chỉ giúp định hướng và hỗ trợ chẩn đoán bệnh.

Xét nghiệm creatinin và ý nghĩa của creatinin trong chẩn đoán suy thận
Xét nghiệm creatinin có thể thực hiện được ở bất cứ bệnh viện nào

Một trong những vai trò quan trọng của xét nghiệm creatinin đó chính là chẩn đoán, phát hiện sớm, tiên lượng và điều trị tích cực các bệnh lý ở thận. Không thể không kể đến tình trạng suy thận - một căn bệnh ngày càng trẻ hóa và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống hàng ngày. Vậy bệnh suy thận là gì? Ý nghĩa của xét nghiệm creatinin trong bệnh này như thế nào?

Đặc điểm bệnh suy thận

Suy thận là một tình trạng nguy hiểm, bệnh thường hay gặp ở những người đã có bệnh nền trước đó như tiểu đường, tăng huyết áp, lupus ban đỏ hệ thống, ung thư,… 

Hiện nay tình trạng suy thận ngày càng trẻ hóa và các dấu hiệu của bệnh thường không rõ rệt ở giai đoạn đầu, chỉ khi bệnh đã tiến triển mới biểu hiện ra thành những triệu chứng.

Một số dấu hiệu nhận biết bệnh suy thận mà bạn cần chú ý đó là:

  • Tiểu tiện bất thường: Tiểu nhiều về đêm hay tình trạng nước tiểu thay đổi về mùi, màu sắc, thể tích. Nước tiểu có thể nhiều hơn hay ít hơn, màu đậm hay nhạt hơn bình thường. Có thể gặp tình trạng nước tiểu có máu, bọt, cảm thấy đau hay căng tức khi đi tiểu.
  • Phù: Chức năng lọc và bài tiết của thận bị suy giảm sẽ dẫn đến tình trạng ứ dịch ở gian bào gây ra phù, có thể biểu hiện ở mặt, bàn chân, tay,... thậm chí toàn thân.
  • Mệt mỏi: Hormone erythropoietin - tham gia vào quá trình sản sinh hồng cầu để vận chuyển oxy đến khắp cơ thể được sản sinh tại thận. Khi bị suy thận, hormone được tạo ra ít hơn làm bạn cảm thấy mệt mỏi. Lượng oxy đến não không đủ khiến gây ra hoa mắt chóng mặt, giảm trí nhớ, không tập trung.
  • Các triệu chứng khác như: Buồn nôn, nôn, ngứa, hơi thở có mùi hôi, đau lưng hay đau vùng cạnh sườn,... cũng gặp ở những bệnh nhân bị suy thận.
Xét nghiệm creatinin và ý nghĩa của creatinin trong chẩn đoán suy thận
Suy thận là căn bệnh nguy hiểm và ngày càng trẻ hóa

Suy thận khi không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như thiếu máu, bệnh tim mạch, bệnh xương khớp,... Chính vì thế việc phát hiện bệnh sớm rất quan trọng và xét nghiệm creatinin là một công cụ hỗ trợ hiệu quả.

Ý nghĩa của xét nghiệm creatinin trong suy thận

Xét nghiệm creatinin là một xét nghiệm đơn giản, dễ thực hiện và phản ánh khá chính xác chức năng lọc của thận, vì vậy nên xét nghiệm này được dùng khá nhiều.

Khi nồng độ creatinin cao hơn so với bình thường, điều này thể hiện người bệnh có nguy cơ bị suy thận. Giá trị xét nghiệm creatinin để phân loại mức độ suy thận cụ thể như sau:

  • Độ I - mức độ nhẹ: Nồng độ creatinin máu <1.5 mg/dL (<130 umol/l).
  • Độ II - mức độ vừa: Nồng độ từ 1.5 - 3.4 mg/dL (130 - 300 umol/l).
  • Độ IIIa - mức độ nặng: Creatinin máu 3.5 - 6 mg/dL (300 - 500 umol/l).
  • Độ IIIb - mức độ nặng: Creatinin máu 6 - 10 mg/dL (500 - 900 umol/l).
  • Độ IV - suy thận giai đoạn cuối: Nồng độ creatinin máu >10 mg/dL (>900 umol/l).

Từ kết quả của xét nghiệm creatinin cùng các triệu chứng lâm sàng (tuy nhiên ở giai đoạn sớm có thể không có biểu hiện gì) bác sĩ có thể chẩn đoán được mức độ bệnh từ đó đưa ra những chỉ định điều trị bệnh phù hợp.

Bệnh thận không thể điều trị khỏi hoàn toàn, tuy nhiên các phương pháp điều trị ngày nay có thể giúp bệnh nhân đảm bảo chất lượng cuộc sống, vui chơi, học tập bình thường. Một số phương pháp điều trị suy thận cụ thể:

  • Nội khoa giúp kiểm soát triệu chứng một cách hiệu quả, mà bệnh nhân không cần phải chạy thận hoặc ghép thận. Tuy nhiên biện pháp này để cải thiện các triệu chứng chứ không phải là phương pháp điều trị và không đảm bảo khả năng kéo dài tuổi thọ.
  • Chạy thận nhân tạo là phương pháp sử dụng máy ở bên ngoài để làm sạch các chất thải trong máu thay cho thận, phương pháp này có thể thực hiện đều đặn 3 lần/tuần và được thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Thẩm phân phúc mạc hay còn được gọi là lọc màng bụng, phương pháp này làm sạch chất thải bằng cách sử dụng niêm mạc vùng ổ bụng. Tuy nhiên đây không phải là một lựa chọn tối ưu cho người bệnh suy thận.
  • Ghép thận là một lựa chọn điều trị khác, một quả thận khỏe mạnh được thay thế cho quả thận đã mất khả năng hoạt động. Đây được coi là lựa chọn điều trị tốt nhất tuy nhiên không phù hợp cho tất cả mọi người. Do đó, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn chi tiết hơn.
Xét nghiệm creatinin và ý nghĩa của creatinin trong chẩn đoán suy thận
Một trong những phương pháp điều trị suy thận đó là chạy thận nhân tạo

Hy vọng bài viết trên của Nhà thuốc Long Châu đã giải đáp được thắc mắc về xét nghiệm creatinin cũng như ý nghĩa của creatinin trong bệnh suy thận. Creatinin là xét nghiệm có giá trị quan trọng trong việc đánh giá chức năng và chẩn đoán các bệnh lý về thận.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm