Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Đỏ mặt: Khái niệm, nguyên nhân và giải pháp can thiệp

Ngày 19/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đỏ mặt có thể phát sinh do nhiều nguyên nhân và để ngăn ngừa cũng như điều trị hiệu quả, bạn cần theo sát diễn biến sức khỏe của mình để thăm khám hoặc can thiệp khi cần thiết.

Đỏ mặt không phải là hiện tượng hiếm gặp, chúng có thể là một trạng thái lành tính hoặc dấu hiệu cảnh báo về một vấn đề sức khỏe nào đó. Vậy nên nếu tình trạng này lặp lại liên tục và đi kèm các triệu chứng bất thường khác thì việc thăm khám để làm rõ nguyên nhân là điều thực sự cần thiết.

Đỏ mặt là gì?

Đỏ mặt là trường hợp vùng da mặt chuyển màu đỏ bất thường, kèm theo đó là cảm giác ấm nóng râm ran.

Đỏ mặt: Khái niệm, nguyên nhân và giải pháp can thiệp 1
Hiện tượng đỏ mặt có thể phát sinh từ nguyên nhân lành tính hoặc cảnh báo một vấn đề sức khỏe đáng ngại nào đó

Hiện tượng trên có thể xuất hiện một cách độc lập hoặc đi kèm một vài triệu chứng khác. Trong trường hợp xuất hiện độc lập, chúng thường có liên quan đến việc tăng lưu lượng máu dưới da. Khi hệ mạch máu vùng đầu cổ lưu thông với tốc độ nhanh hơn, dung tích máu tập trung nhiều hơn thì mặt, tai, cổ bị đỏ là điều rất dễ xảy ra.

Một số dấu hiệu đi kèm

Như đã nhắc qua ở trên, hiện tượng da mặt bị đỏ và nóng có thể xuất hiện đồng thời với những dấu hiệu bất thường khác. Ví dụ:

  • Nổi nhiều mề đay, đi kèm cảm giác ngứa ngáy, khó chịu;
  • Khó thở, đau thắt vùng ngực trái;
  • Hoa mắt, chóng mặt, xây xẩm đầu óc;
  • Rối loạn tiêu hóa, đánh trống ngực do tim đập nhanh;
  • Sưng vùng mắt, môi hoặc lưỡi;
  • Sốt cao.

Nguyên nhân gây đỏ mặt

Hiện nay, chưa có tài liệu y văn nào khẳng định “chắc nịch” về các nguyên nhân trực tiếp gây ra hiện tượng đỏ mặt. Tuy nhiên thực tế cho thấy triệu chứng trên có mối liên quan mật thiết đến các vấn đề sau:

  • Di truyền: Người có cơ địa dễ bị đỏ mặt và được di truyền lại từ các thế hệ trước.
  • Cảm xúc: Sự bùng nổ về mặt cảm xúc như tức giận, bối rối, ngại ngùng cũng dễ gây nên hiện tượng mặt bị đỏ.
  • Tiền mãn kinh: Người trong giai đoạn này thường bị bốc hỏa, nóng trong do thay đổi nội tiết và đó cũng là căn nguyên làm phát sinh hiện tượng mặt đỏ phừng phừng.
  • Đồ ăn: Khi bạn uống rượu bia, ăn thực phẩm cay nóng thì mặt bị đỏ là điều có thể dự đoán trước.
  • Kích ứng: Khi dùng mỹ phẩm chứa kim loại nặng, corticoid,... da sẽ bị hủy hoại kết cấu, phá hủy hàng rào bảo vệ nên rất dễ nổi mẩn đỏ. Ngoài ra dị ứng đồ ăn, thức uống, phấn hoa, lông tóc,... cũng là "thủ phạm” gây ra tình trạng trên.

Ngoài những nguyên nhân thông thường vừa nhắc đến, mặt đỏ còn là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý. Cụ thể như sau:

  • Viêm da: Trong trường hợp bị viêm da, vùng mặt sẽ rất dễ bị sưng tấy, nổi mụn đỏ.
  • Ưu năng tuyến giáp: Khi tuyến giáp hoạt động quá mạnh mẽ, tốc độ trao đổi chất sẽ luôn duy trì ở mức cao và khiến tốc độ lưu thông máu tăng đột biến so với bình thường. Kết quả là gây nên tình trạng mặt bị đỏ.
  • Viêm cầu thận: Khi mắc phải bệnh lý này, chức năng lọc máu của thận sẽ bị suy giảm. Khi đó chất độc sẽ tồn ứ trong hệ tuần hoàn và nội tạng, gây kích ứng da và có thể khiến mặt đỏ bừng lên.
  • Hội chứng Carcinoid: Là biểu hiện bên ngoài của bệnh nhân mắc u Carcinoid. Chúng được nhận diện thông qua các dấu hiệu chỉ điểm như: Đỏ bừng da mặt, rối loạn tiêu hóa, nhịp tim nhanh, đau bụng,...
  • Sốc phản vệ: Đây là trường hợp dị ứng ở mức độ nặng, cùng với hiện tượng mặt đỏ là phù nề, khó thở, thậm chí mất ý thức và có thể dẫn đến tử vong.
Đỏ mặt: Khái niệm, nguyên nhân và giải pháp can thiệp 2
Làm rõ nguyên nhân gây đỏ phừng mặt sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc ngăn ngừa và xử lý triệt để tình trạng này

Bên cạnh những bệnh lý vừa nêu thì mặt đỏ có thể là tín hiệu của một số vấn đề sức khỏe nguy hiểm khác như: Hội chứng Cushing, rối loạn phản xạ tự chủ, sốt vàng,...

Đỏ mặt có nguy hiểm không?

Để biết đỏ mặt có nguy hiểm không, bạn cần căn cứ vào nguyên nhân làm phát sinh vấn đề đang xét.

Theo đó, nếu chỉ vì uống rượu bia, ăn đồ cay nóng, bùng nổ cảm xúc mà dẫn đến hiện tượng trên thì không có gì đáng lo ngại, da mặt của bạn sẽ trở lại bình thường chỉ sau vài phút hoặc vài giờ. Với hiện tượng mặt bừng đỏ do tiền mãn kinh cũng vậy, đi qua giai đoạn nhạy cảm này thì triệu chứng trên cũng sẽ tự động thoái lui.

Đỏ mặt: Khái niệm, nguyên nhân và giải pháp can thiệp 3
Phần đa các trường hợp mặt bị đỏ không tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe

Trong trường hợp mặt bị đỏ do mụn, viêm da và kích ứng nhẹ, chúng ta cần can thiệp bằng thuốc kết hợp chăm sóc da đúng cách để khắc phục nhanh vấn đề. Và nhìn chung mặt đỏ trong các trường hợp này cũng không hề gây nguy hiểm đến tính mạng.

Tuy nhiên nếu mặt bị đỏ do huyết áp tăng cao đột ngột, nhồi máu cơ tim cấp, sốc phản vệ, hội chứng Carcinoid, cường giáp,... thì đây là một dấu hiệu đặc biệt đáng ngại, có thể đe dọa đến sự sống còn của người bệnh.

Điều này một lần nữa cho thấy vai trò quan trọng của việc làm rõ nguyên nhân của hiện tượng nói trên và cách xác định chúng thông qua các dấu hiệu đi kèm triệu chứng đỏ bừng mặt.

Cách can thiệp

Nhìn chung đa phần các trường hợp đỏ mặt đều xuất phát từ nguyên nhân lành tính và không cần phải can thiệp y tế. Tuy nhiên nếu chúng xuất hiện đột ngột và còn tích hợp thêm nhiều triệu chứng nguy hiểm khác như: Khó thở, tiêu chảy, choáng váng,... thì bạn cần thăm khám càng sớm càng tốt.

Đỏ mặt: Khái niệm, nguyên nhân và giải pháp can thiệp 4
Hãy thăm khám bác sĩ để làm rõ căn nguyên phát sinh hiện tượng trên bạn nhé!

Khi trao đổi với bác sĩ, bạn cần cung cấp chi tiết tiền sử sử dụng thuốc, đồ mỹ phẩm, bệnh lý hiện có để các chuyên gia có thêm căn cứ chẩn đoán. Ngoài thăm khám và khai thác lược sử, bạn sẽ được làm một số xét nghiệm, loại trừ dần để tìm ra nguyên nhân chính yếu.

  • Nếu mặt bị đỏ do kích ứng hay sốc phản vệ, bác sĩ sẽ dùng Adrenalin hoặc thuốc kháng Histamin để chặn đứng tình trạng này.
  • Nếu đỏ bừng mặt do viêm da, nhiễm độc thì người bệnh sẽ được kê toa thuốc điều trị da liễu. Bao gồm cả thuốc chống viêm, làm dịu và thuốc kháng sinh nếu có liên quan đến vi khuẩn.
  • Với bệnh huyết áp và cường giáp, chuyên gia y tế sẽ điều chỉnh lại liều thuốc hoặc loại thuốc để kiểm soát tình hình. Còn trong trường hợp mắc phải các bệnh lý nguy hiểm như u Carcinoid hoặc sốt vàng,... thì bệnh nhân cần nhập viện để điều trị chuyên sâu.

Trên đây là những chia sẻ của Nhà thuốc Long Châu về hiện tượng đỏ mặt cũng như các nguyên nhân, giải pháp can thiệp đối với tình trạng này. Mong rằng qua bài viết, bạn đọc có thể phân biệt nhanh hiện tượng mặt bị đỏ do nguyên nhân sinh lý và bệnh lý. Từ đó có biện pháp xử trí nhanh để tránh gây nguy hại về sau. Trân trọng!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm