Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Thoát vị đĩa đệm là gì? Nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thoát vị đĩa đệm là một bệnh lý phổ biến gây ra những cơn đau khó chịu ở lưng, đôi khi những cơn đau này đi kèm với cảm giác tê và lan dọc xuống một hay cả hai chân. Thoát vị đĩa đệm nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể gây tàn phế. Do đó, tìm đúng nguyên nhân, triệu chứng của bệnh để đưa ra cách chữa trị kịp thời là hết sức quan trọng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Thoát vị đĩa đệm là gì?

Đĩa đệm nằm ở giữa những đốt sống lưng với cấu tạo bao gồm hai phần là bao xơ và nhân nhầy bên trong có chức năng co giãn và giúp những đốt xương không bị cọ xát vào nhau khi hoạt động.

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng bao xơ bị rách dẫn tới những nhân nhầy bên trong bị thoát ra ngoài gây chèn ép lên những rễ thần kinh xung quanh cột sống gây ra những cơn đau và khó chịu ở lưng.

Hầu hết, thoát vị đĩa đệm có thể tự lành bằng những biện pháp chăm sóc đơn giản tại nhà. Tuy nhiên, ở trường hợp nặng, bệnh nếu không được điều trị đúng cách sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm.

Có tới 2% người bị thoát vị đĩa đệm hàng năm. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây đau cổ và/ hoặc cánh tay, lưng và/ hoặc chân (cơn đau thần kinh tọa). Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào theo dọc cột sống, tuy nhiên thường xảy ra ở lưng dưới hoặc cổ. Thoát vị đĩa đệm thì hiếm gặp ở lưng dưới.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của Thoát vị đĩa đệm

Những triệu chứng thoát vị đĩa đệm khác nhau phụ thuộc vào vị trí của bệnh. Các triệu chứng thường xấu đi khi vận động và đỡ hơn khi nghỉ ngơi.

Thoát vị địa đệm ở thắt lưng (cơn đau thần kinh tọa):

Cảm thấy đau và tê, hay gặp ở một bên mông xuống chân và đôi khi cả bàn chân;

Đau lưng;

Cảm giác ngứa ran hoặc tê ở chân hoặc/ và bàn chân;

Yếu cơ.

Thoát vị địa đệm ở cổ:

Cảm giác đau ở gân hoặc giữa bả vai;

Cơn đau có thể lan tới vai, canh tay và đôi khi là bàn tay và ngón tay;

Đau cổ, nhất là ở lưng và hai bên cổ;

Cơn đau có thể tăng khi cúi hoặc xoay cổ;

Cảm giác tê và ngứa ran ở cánh tay.

Biến chứng có thể gặp khi bị Thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể gây ra một số biến chứng sau:

Chèn ép tủy gây rối loạn vận động hoặc mất cảm giác;

Hẹp ống sống: Xảy ra khi nhân nhầy của đĩa đệm thoát khỏi bao xơ và lấn chiếm vào trong ống sống gây ra những cơn đau nghiêm trọng ở cổ hoặc thắt lưng;

Thiếu máu não: Do hệ thống động mạch bị chèn ép làm giảm lưu lượng máu tới não;

Rối loạn thần kinh thực vật: Làm cho bệnh nhân thường xuyên cảm thấy chóng mặt, ù tai, mắt nhìn mờ, đau ngực, giảm huyết áp,…

Tàn phế: Khi tình trạng bệnh nặng sẽ dẫn tới tàn phế do tủy sống bị chèn ép quá mức.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến Thoát vị đĩa đệm

Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm là do nhân nhầy bên trong đĩa đệm bị thoát ra ngoài qua một vết nứt ở trên bao xơ của đĩa đệm. Những nhân nhầy này sẽ chèn ép lên những dây thần kinh gần đó gây đau và khó chịu ở vị trí bị ảnh hưởng.

Một số nguyên nhân làm cho bao xơ của đĩa đệm bị nứt ra là:

Sự lão hóa của cơ thể;

Thừa cân;

Chuyển động lặp đi lặp lại nhiều lần;

Vận động không đúng cách.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) Thoát vị đĩa đệm?

Hầu hết tất cả mọi đối tượng, lứa tuổi đều có khả năng bị thoát vị đĩa đệm. Tuy nhiên, những người từ 30 tới 50 tuổi và nam giới thì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) Thoát vị đĩa đệm

Nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm:

Gia đình có người bị thoát vị đĩa đệm;

Bị chấn thương ở vùng lưng;

Bị một số bệnh lý như thoái hóa cột sống, gù vẹo,…

Thường xuyên vận động quá sức hay tập thể dục gắng sức;

Ngồi trong một thời gian dài;

Thừa cân;

Hút thuốc lá;

Thường xuyên nâng vật nặng.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán Thoát vị đĩa đệm

Chẩn đoán bệnh thoát vị đĩa đệm bắt đầu bằng tiền sử bệnh và những triệu chứng lâm sàng. Sau đó bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm. Những xét nghiệm thường thấy như:

Chụp cộng hưởng từ MRI: Xét nghiệm phổ biến và chính xác nhất để chẩn đoán tình trạng bệnh.

Chụp X-quang: Loại trừ những nguyên nhân khác gây đau lưng, đau cổ.

Chụp CT: Được chỉ định khi người bệnh bị chống chỉ định với MRI hoặc không có điều kiện.

Điện cơ đồ (EMG): Đánh giá hoạt động của cơ bắp, giúp bác sĩ xác định được mức độ chèn ép dây thần kinh và giai đoạn phát triển của bệnh.

Xét nghiệm công thức máu: Nếu bác sĩ nghi ngờ tổn thương đĩa đệm xảy ra do những bệnh ác tính hoặc viêm nhiễm.

Điều này rất quan trọng để có thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh để giúp bác sĩ điều trị càng sớm càng tốt.

Phương pháp điều trị Thoát vị đĩa đệm hiệu quả

Đa số những trường hợp bị thoát vị đĩa đệm thường hết sau một thời gian tự điều trị tại nhà, mặc dù quá trình này có thể mất tới 12 tuần. Tuy nhiên, ở một vài trường hợp nặng, bác sĩ có thể đề nghị điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. 

Một số phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm là:

Điều trị bằng thuốc

Thuốc giảm đau: Paracetamol và thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) như naproxen, ibuprofen meloxicam,… nếu người bệnh cảm thấy đau dữ dội mà NSAIDs không có tác dụng thì bác sĩ có thể kê thêm thuốc giảm đau gây nghiện (opioid) cho người bệnh;

Thuốc giãn cơ: Giúp những cơ bắp bị ảnh hưởng được thư giãn và hạn chế những cơn đau do tăng trương lực cơ;

Thuốc giảm đau thần kinh (Pregabalin, Gabapentin): Dùng trong trường cơn đau vẫn không thuyên giảm khi dùng thuốc giảm đau hay giãn cơ thông thường;

Thuốc tiêm corticoid: Được dùng để tiêm quanh rễ thần kinh hoặc ngoài màng cứng nhằm giảm đau và giảm viêm do thoát vị đĩa đệm gây ra. Tuy nhiên, cần lưu ý những tác dụng phụ của thuốc.

Vật lý trị liệu

Ngoài việc dùng thuốc, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh nên kết hợp những bài tập vật lý trị liệu để khắc phục những cơn đau cũng như hạn chế được sự chèn áp các dây thần kinh dưới sự trợ giúp của những chuyên gia và kỹ thuật viên.

Những trường hợp bệnh nhẹ, điều trị bằng thuốc và kết hợp với vật lý trị liệu có thể mang lại hiệu quả tới 95%.

Phẫu thuật

Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật nếu người bệnh có những triệu chứng sau:

Yếu cơ;

Cơn đau dai dẳng theo thời gian;

Người bệnh dị chuyển khó khăn;

Người bệnh không kiểm soát được vấn đề đi vệ sinh của mình.

Một số phương pháp phẫu thuật là: 

Loại bỏ chất nhân nhầy của đĩa đệm thông qua hút hay cắt bỏ bằng laser;

Cắt bỏ đĩa đệm;

Cắt một phần đốt sống;

Phẫu thuật nối hai hay nhiều đốt sống lại với nhau;

Thay thế các đĩa đệm bị thoát vị bằng cấy ghép nhân tạo.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của Thoát vị đĩa đệm

Chế độ sinh hoạt:

Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị;

Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng;

Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị;

Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Phương pháp phòng ngừa Thoát vị đĩa đệm hiệu quả

Dưới đây là một số cách đơn giản có thể giúp phòng ngừa thoát vị đĩa đệm, cụ thể:

Luyện tập thể thao bằng những bài tập vừa sức để tăng độ dẻo dai của cột sống cũng như giảm nguy cơ tổn thương đĩa đệm;

Bỏ thuốc lá hoặc tránh xa khói thuốc lá;

Duy trì cân nặng hợp lý, giảm cân nếu cần thiết;

Chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng và lành mạnh;

Tránh nâng những vật quá nặng;

Hạn chế vận động quá sức hoặc sai tư thế.

Xem thêm:

Nguồn tham khảo
  1. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/12768-herniated-disk

  2. https://www.healthline.com/health/herniated-disk#treatment

  3. https://www.medicalnewstoday.com/articles/191979#summary

Các bệnh liên quan

  1. Thoái hóa đốt sống cổ

  2. Lõm ngực bẩm sinh

  3. Cong vẹo cột sống

  4. Thoái hóa cột sống thắt lưng

  5. Đau cơ

  6. Bệnh Scheuermann

  7. Hội chứng cơ nâng hậu môn

  8. Đau đầu Arnold

  9. Đau khớp

  10. Viêm đa rễ dây thần kinh