Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nhiễm giun móc và những điều cần biết

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nhiễm giun móc là bệnh tương đối phổ biến, bệnh thường không gây ra tử vong nhưng là một trong những nguyên nhân chính gây thiếu máu ở người. Triệu chứng nhiễm giun móc không rõ ràng và đa dạng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Vì vậy, hãy cùng Long Châu theo dõi bài viết sau để hiểu rõ và nắm chắc kiến thức liên quan về bệnh giun móc để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Nhiễm giun móc là gì?

Nhiễm giun móc (bệnh giun móc) là bệnh nhiễm trùng do giun móc Ancylostoma duodenale hoặc giun mỏ Necator americanus gây ra.

Hai loại ký sinh trùng này đều thuộc họ Ancylostomidae, có hình thể trứng giống nhau, chỉ khác nhau về hình thể ấu trùng và giun trưởng thành. Ngoài ra, hai loại giun này cũng gần giống nhau về đặc điểm sinh học, dịch tễ, chẩn đoán điều trị và phương pháp phòng bệnh. Do đó, bệnh do 2 loại giun này gây ra được gọi chung là bệnh giun móc (hoặc giun mỏ).

Việt Nam, bệnh chủ yếu do giun mỏ, chiếm 95% và giun móc 5% các trường hợp nhiễm.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm giun móc

Giai đoạn ấu trùng: Viêm da tại chỗ nơi ấu trùng xâm nhập hoặc viêm phổi dị ứng khi ấu trùng qua phổi.

Giai đoạn giun trưởng thành:

  • Gây kích thích: Do những chất tiết của giun hoặc những hoạt động của giun thúc vào thành ruột gây những kích thích hóa học, cơ học tại chỗ làm cho thành ruột bị tổn thương, gây buồn nôn và nôn, đau bụng, đại tiện lỏng, đại tiện ra máu.

  • Tổn thương tại ruột: Thành ruột bị viêm và chảy máu.

  • Giun móc hút máu gây thiếu máu gây ra tình trạng chảy máu liên tục tại nơi giun ký sinh, dẫn đến tình trạng thiếu máu ngày trầm trọng với các biểu hiện: Tăng nhịp tim, hồi hộp, đánh trống ngực, chóng mặt, hoa mắt,xanh xao, da, niêm mạc nhợt nhạt, suy tim.

  • Viêm loét hành tá tràng.

  • Phụ nữ rối loạn kinh nguyệt, trẻ em chậm lớn, còi cọc, giảm thị lực, hay quên, suy dinh dưỡng, thậm chí phù toàn thân.

Biến chứng có thể gặp khi nhiễm giun móc

Trường hợp nhiễm giun móc nhẹ thường không gây ra biến chứng. Nhưng nếu nhiễm giun móc nặng, biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra: Thiếu máu thiếu sắt, chậm phát triển thể chất, tinh thần, viêm phổi, suy tim. Một số trường hợp nhiễm giun nặng ở trẻ nhỏ có thể gây tử vong.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nhận thấy sự xuất hiện của bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào thì tốt nhất nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám, xét nghiệm và được các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn điều trị.

Tuyệt đối không được thờ ơ trước các bất thường của cơ thể, vì có thể khiến bệnh tiến triển đến mức trầm trọng, việc chữa trị vô cùng khó khăn và gặp không ít rủi ro, biến chứng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến nhiễm giun móc

Nguyên nhân gây bệnh giun móc là do giun móc Ancylostoma duodenale hoặc giun mỏ Necator americanus ký sinh trong cơ thể người gây nên.

Chu kỳ phát triển của giun móc Ancylostoma duodenale/giun mỏ Necator americanus

Đường nhiễm của giun mỏ chủ yếu qua da, còn giun móc chủ yếu qua miệng do ăn phải ấu trùng từ thức ăn, nước uống, tay bẩn, đất, bụi.

  • Trứng được bài xuất theo phân ra ngoài.
  • Trong điều kiện thuận lợi (độ ẩm, ấm áp, bóng râm), trứng nở thành ấu trùng trong 1 – 2 ngày, ấu trùng hình que phát triển trong phân hoặc ở đất.
  • Sau 5 – 10 ngày (thoát vỏ 2 lần), ấu trùng phát triển thành ấu trùng hình chỉ – là ấu trùng giai đoạn nhiễm.
  • Những ấu trùng này có thể sống 3 – 4 tuần trong điều kiện thuận lợi. Khi tiếp xúc với vật chủ là người, ấu trùng chui qua da và theo tĩnh mạch đến tim và phổi. Ấu trùng theo đường máu lên phổi rồi qua khí quản lên hầu, xuống dạ dày.
  • Ấu trùng đến ruột non, ký sinh và phát triển thành giun trưởng thành. Giun trưởng thành sống ở ruột non nơi chúng bám vào thành ruột để hút máu và gây mất máu mạn tính của vật chủ.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải nhiễm giun móc

Nhiễm giun móc có thể xảy ra ở bất cứ ai, bất cứ độ tuổi nào, đặc biệt những người dân sống ở khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới. Khí hậu nóng ẩm thích hợp cho sự phát triển ấu trùng và trứng giun móc, đặc biệt mùa mưa. Tuy nhiên, dựa vào con đường và chu kỳ lây nhiễm bệnh, những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao:

  • Người sống ở những khu vực nghèo, lạc hậu.

  • Người sống ở vùng nông thôn, miền núi.

  • Người làm nông nghiệp, chăn nuôi trồng trọt.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải nhiễm giun móc

Có rất nhiều yếu tố có thể tăng nguy cơ nhiễm giun móc, như:

  • Khí hậu nóng ẩm của Việt Nam là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của giun móc.

  • Thói quen sinh sống của những người dân cũng là nguyên nhân dẫn tới nhiễm giun móc tỷ lệ cao: Đi chân đất, không vệ sinh tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc môi trường bẩn, sau khi đi vệ sinh,…

  • Nhiễm giun móc liên quan mật thiết đến tuổi: Tỷ lệ nhiễm và cường độ nhiễm tăng dần theo tuổi. Tuy nhiên, tái nhiễm giun móc thường xảy ra ở trẻ em do thói quen nghịch đất.

  • Tập quán ăn rau sống, sử dụng phân tươi chăm bón cho cây trồng và rau củ, ao cá dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm giun móc.

  • Nghề nghiệp: Công nhân mỏ than tỷ lệ nhiễm cao, nông dân nhiễm nhiều hơn ngủ dân, người trồng rau nhiễm nhiều hơn người trồng lúa.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nhiễm giun móc

Chẩn đoán lâm sàng: Không có ý nghĩa chẩn đoán xác định vì triệu chứng không điển hình: Xa xanh, niêm mạc nhợt nhạt.

Chẩn đoán cận lâm sàng:

  • Chẩn đoán được xác định khi tìm thấy trứng: Kỹ thuật trực tiếp bằng nước muối sinh lý, phương pháp nổi bằng nước muối bão hòa, phương pháp Kato, phương pháp Kato – Katz,…

  • Nuôi cấy phân tìm ấu trùng giun móc trong phân: Phương pháp Harada – Mori cải tiến, nuôi cấy trên đĩa petri.

  • Miễn dịch học: Phản ứng miễn dịch huỳnh quang gián tiếp.

  • Dịch tễ học: Trồng rau màu sử dụng phân tươi.

Phương pháp điều trị nhiễm giun móc

Nguyên tắc điều trị:

  • Chọn thuốc phổ rộng, tác dụng với nhiều loại giun và dùng 1 liều duy nhất có hiệu quả cao.

  • Thuốc rẻ tiền, sẵn có trên thị trường.

  • Thuốc ít độc, dễ uống.

  • Bổ sung sắt.

Phương pháp điều trị:

  • Điều trị cá thể: Cá nhân hoặc gia đình tự mua thuốc uống hoặc đến cơ sở y tế điều trị.

  • Điều trị chọn lọc: Điều trị cho nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm nặng.

  • Điều trị toàn dân: Định kỳ 4 – 6 tháng/ lần/ nhiều năm liên tục.

Thuốc điều trị:

  • Nhóm Benzimidazol: Mebendazol, albendazol.

  • Nhóm Pyrimidin: Pyrantel pamoat, oxantel.

Phác đồ điều trị:

Albendazol:

  • Nhẹ: Liều duy nhất 400 mg cho mọi lứa tuổi (từ 2 tuổi trở lên);
  • Nặng: Liều 400 mg/ ngày x 3 ngày.

Mebendazol:

  • Nhẹ: Liều duy nhất 500 mg cho mọi lứa tuổi (từ 2 tuổi trở lên);
  • Nặng: Liều 500 mg/ ngày x 3 ngày.

Pyrantel pamoat:

  • Nhẹ: Pyrantel pamoat 10 mg/ kg cân nặng;
  • Nặng: Pyrantel pamoat 10 mg/ kg cân nặng/ ngày x 3 ngày.

Nhiễm giun móc phối hợp giun đũa:

  • Albendazol 400 mg, liều duy nhất hoặc 400 mg/ngày x 3 ngày;
  • Mebendazol 500 mg, liều duy nhất hoặc 500 mg/ngày x 3 ngày;
  • Pyrantel pamoat 10 mg/kg cân nặng hoặc 10 mg/kg cân nặng/ngày x 3 ngày.

Ghi chú: Cần điều trị định kỳ 2 lần/năm trong nhiều năm liều.

Chống chỉ định: Nhóm Benzimidazol không sử dụng cho phụ nữ có thai 3 tháng đầu, người đang bị bệnh cấp tính, người có tiền sử mẫn cảm với thuốc hoặc suy gan, suy thận (sử dụng thuốc sự hướng dẫn của bác sĩ).

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp hạn chế diễn tiến của nhiễm giun móc

Thói quen sinh hoạt:

  • Tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc hoặc mua thuốc không có trong đơn thuốc của bác sĩ.

  • Lắng nghe và làm theo mọi hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi có những bất thường xuất hiện trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi diễn tiến của bệnh và tình trạng sức khỏe.

  • Vệ sinh cá nhân (đi giày, dép, bảo hộ lao động khi tiếp xúc với đất), môi trường sạch sẽ và thường xuyên.

  • Thể dục thể thao nâng cao sức khỏe.

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ chất dinh dưỡng, thức ăn được nấu chín, nước uống đun sôi để nguội.

Phương pháp phòng ngừa nhiễm giun móc

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Tẩy giun định kỳ.
  • Vệ sinh cá nhân (đi giày, dép, bảo hộ lao động khi tiếp xúc với đất), vệ sinh môi trường sạch sẽ, thường xuyên, xây dựng nhà vệ sinh hợp vệ sinh.
  • Giáo dục trẻ em về tầm quan trọng của việc rửa tay, sử dụng phương tiện bảo hộ và thói quen tốt để nâng cao sức khỏe.
  • Rửa tay bằng xà phòng trước trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc môi trường hoặc vật dụng bẩn.
  • Chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ chất dinh dưỡng, thức ăn được nấu chín, nước uống đun sôi để nguội.
  • Tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trên các phương tiện truyền thông, giáo dục sức khỏe.
  • Quan tâm và ưu tiên phòng chống giun móc cho trẻ em và phụ nữ tuổi sinh sản tại vùng có tỷ lệ nhiễm giun móc cao.
  • Khi có dấu hiệu bị nhiễm giun, cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra.
Nguồn tham khảo
  1. PGS. TS Nguyễn Văn Đề (2013), Ký sinh trùng trong lâm sàng, Đại học Y Hà Nội, Nhà xuất bản Y học Hà Nội.

  2. Bộ môn Ký sinh – Vi nấm học (2013), Ký sinh trùng Y học, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.

  3. https://www.msdmanuals.com/professional/infectious-diseases/nematodes-roundworms/hookworm-infection

  4. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pinworm/symptoms-causes/syc-20376382

  5. https://my.clevelandclinic.org/health/articles/14072-hookworm-disease

  6. https://microbenotes.com/ancylostoma-duodenale/

Các bệnh liên quan

  1. Lao xương

  2. Nhiễm trùng vết thương

  3. Ký sinh trùng

  4. Nhiễm lậu cầu

  5. Nhiễm Candida

  6. Sùi mào gà

  7. Nhiễm khuẩn Chlamydia

  8. Nhiễm giun chỉ

  9. Sốt xuất huyết do virus Hanta

  10. Tiêu chảy do virus Rota