Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tìm hiểu về răng tiền hàm và các vấn đề có thể gặp phải

Ngày 22/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hàm răng của con người gồm có 28 đến 32 chiếc được phân thành các loại răng khác nhau trong đó có răng tiền hàm. Bạn có biết răng tiền hàm nằm ở vị trí nào, có chức năng gì và có vấn đề gì thường xảy ra với loại răng này?

Mỗi chiếc răng trên hàm răng của con người có một chức năng riêng và chúng được gọi tên theo số thứ tự hoặc theo chức năng. Trong các loại răng thuộc hàm răng, chúng ta có răng tiền hàm hay răng mọc ở vị trí số 4 và số 5 của cả 2 hàm răng. Trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết về răng tiền hàm.

Răng tiền hàm là răng nào?

Hàm răng có cấu tạo như thế nào? Hàm răng người thường có 32 chiếc (bao gồm cả 4 chiếc răng khôn), trong đó có 16 răng ở hàm trên và 16 răng ở hàm dưới. Các răng này được phân chia thành 4 loại răng chính bao gồm: Răng cửa (răng số 1 và răng số 2), răng nanh (răng số 3), răng tiền hàm (răng số 4răng số 5), răng hàm lớn (răng số 6, 7, 8).

Răng tiền hàm (bicuspids) là răng chuyển tiếp giữa răng nanh và răng hàm nên nó mang đặc tính của cả 2 loại răng này. Vì vậy, nó cũng được gọi là răng hàm nhỏ hay răng cối nhỏ. Người trưởng thành thường có 8 chiếc răng tiền hàm bao gồm 4 răng ở hàm trên và 4 răng ở hàm dưới.

Tìm hiểu về răng tiền hàm và các vấn đề có thể gặp phải 1
Vị trí của răng tiền hàm ở 2 hàm răng

Đặc điểm của răng tiền hàm

Răng tiền hàm có cấu tạo cũng gồm 2 phần chính là thân răng phía trên và chân răng ẩn sâu dưới xương ổ răng và được bao bọc bởi lợi phải chụp X-quang mới quan sát được. Nếu như thân răng có chức năng ăn nhai thì chân răng có chức năng giữ răng ổn định và chắc chắn ở trong xương ổ răng.

Phần thân trên của răng tiền hàm có hình mũi mác, mũi răng dài, dày, nhọn. 4 bên xung quanh của răng đều khá sắc. Các đặc điểm này giống nhau ở cả răng sữa và răng vĩnh viễn, tuy nhiên, răng sữa nhỏ hơn, không chắc khỏe bằng và chỉ có 1 chân răng trong ổ răng.

Một chiếc răng tiền hàm cũng gồm 5 mặt là: Mặt trong, mặt ngoài, hai mặt bên và mặt nhai. Loại răng này có diện tích mặt nhai khá rộng giúp răng thực hiện tốt chức năng nhai nghiền thức ăn. Lớp bên ngoài cùng của răng là men răng, kế đến là ngà răng và trong cùng vị trí trung tâm của răng là tủy răng. Tủy răng có nhiệm vụ cung cấp dưỡng chất và giúp răng cảm nhận được các tác động từ bên ngoài vào răng.

Tìm hiểu về răng tiền hàm và các vấn đề có thể gặp phải 2
Răng tiền hàm mang đặc điểm của cả răng nanh và răng hàm

Răng tiền hàm có chức năng gì?

Có thể điểm qua những chức năng chính của răng tiền hàm như:

  • 8 răng tiền hàm ở cả hai hàm răng đảm nhận chức năng cắn xé, nhai nghiền thức ăn, làm nhỏ thức ăn và trộn thức ăn với nước bọt để chúng được nuốt và tiêu hóa dễ hơn. Vì vậy, răng tiền hàm yếu cũng có ảnh hưởng nhất định đến chức năng tiêu hóa của dạ dày khi thức ăn không được nghiền nát đúng cách.
  • Ngoài lưỡi, răng cũng là bộ phận quan trọng đối với khả năng phát âm. Khi những răng tiền hàm chắc chắn, khỏe mạnh, mọc đúng vị trí, chúng ta có thể phát âm tròn vành rõ chữ hơn. Răng tiền hàm mọc lệch hay bị mất có thể dẫn đến phát âm kém chuẩn xác rõ ràng.
  • Răng tiền hàm cũng giữ vai trò quan trọng với chức năng thẩm mỹ của toàn hàm răng và khuôn mặt. Chỉ cần mất răng tiền hàm khoảng 3 tháng là có thể xảy ra hiện tượng tiêu xương hàm tại vị trí răng bị mất. Điều này khiến khả năng nâng đỡ khuôn mặt của xương hàm bị giảm, có thể làm ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của khuôn mặt.
Tìm hiểu về răng tiền hàm và các vấn đề có thể gặp phải 3
Răng tiền hàm cũng có thể gặp phải nhiều vấn đề như các răng khác

Những vấn đề thường gặp ở răng tiền hàm

Răng tiền hàm cũng giống như tất cả các răng khác trong hàm, có thể bị vỡ, bị sâu răng, mất răng và các vấn đề khác. Cụ thể là:

Răng tiền hàm bị vỡ, bị gãy

Răng tiền hàm bị vỡ, bị gãy do chấn thương với các mức độ từ nhẹ đến nặng khác nhau. Nếu răng bị vỡ mảnh nhỏ do va đập, nha sĩ có thể tiến hành hàn trám. Nếu răng bị hư hại nhiều hơn, bạn có thể bọc răng sứ để bảo vệ và duy trì chức năng của thân răng. Nếu thân răng bị hư hại nhiều, có thể bác sĩ sẽ chỉ định nhổ bỏ răng, lấy mảnh vỡ răng cắm vào lợi nếu có và chữa trị cho lành thương.

Sâu răng tiền hàm

Sâu răng tiền hàm cũng là bệnh về răng khá thường gặp xảy ra khi lớp men răng bị bào mòn nên răng dễ bị ảnh hưởng bởi các tác nhân gây sâu răng. Nhưng lỗ hay vết sâu răng dần dần sẽ ăn vào ngà răng, tủy răng làm tăng nguy cơ viêm tủy răng. Tùy từng mức độ sâu, răng có thể được hàn trám bảo tồn, bọc răng sứ hoặc nhổ bỏ.

Mất răng tiền hàm

Mất răng tiền hàm do tai nạn hoặc do buộc phải nhổ bỏ răng do các bệnh lý về răng miệng, do răng mọc lệch hoặc nha sĩ chỉ định nhổ bỏ răng để hỗ trợ việc niềng răng. Cần lưu ý, mất răng trong thời gian dài dễ dẫn đến tiêu xương hàm tại vị trí răng bị mất.

Tìm hiểu về răng tiền hàm và các vấn đề có thể gặp phải 4
Các vấn đề liên quan đến răng tiền hàm cần được xử lý kịp thời

Viêm tủy răng tiền hàm

Viêm tủy răng tiền hàm xảy ra khi tủy răng bị tấn công bởi vi khuẩn nếu buồng tủy trên thân răng bị lộ ra ngoài do sâu răng hoặc do va đập mạnh. Nếu bạn bị viêm tủy phục hồi, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị nguyên nhân gây viêm. Nếu bạn bị viêm tủy không phục hồi, bạn có thể được chỉ định thực hiện phẫu thuật cắt phần đầu tiên của ống tủy. Cũng có trường hợp, bác sĩ sẽ loại bỏ toàn bộ răng có buồng tủy bị viêm khi răng đã chết và không thể cứu được.

Áp xe chân răng xảy ra sau khi viêm tủy răng vì tại các buồng tủy viêm sẽ có chất lỏng chảy xuống chân răng dẫn đến tạo thành các khối mủ gọi là khối áp xe. Áp xe cần được xử lý sớm để nhiễm trùng không lây lan sang vị trí khác. Bác sĩ sẽ rạch, chích để dẫn lưu mủ dịch trong ổ áp xe và làm sạch, sát trùng và kê các loại thuốc giúp kháng sinh, kháng viêm và thúc đẩy quá trình lành thương.

Qua bài viết trên đây, hy vọng bạn đã nắm được thông tin cơ bản về răng tiền hàm, chức năng cũng như các vấn đề thường gặp với loại răng này. Hãy chú trọng chăm sóc, vệ sinh răng miệng và nhận biết sớm các bất thường ở răng tiền hàm để xử lý kịp thời bạn nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm