Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Quy trình nhổ răng hàm như thế nào? Cần lưu ý gì?

Ngày 29/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Răng hàm bị sâu là tình trạng thường gặp ở cả trẻ em và người lớn. Việc này không chỉ khiến cho vấn đề nhai, nuốt thức ăn trở nên khó khăn mà còn ảnh hưởng đến yếu tố thẩm mỹ. Thậm chí sâu răng còn gây ra biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

Răng hàm gồm các răng số 6, răng số 7 và răng số 8. Do răng hàm nằm ở vị trí trong cùng của cung hàm nên ta thường khó quan sát và vệ sinh sạch sẽ, dẫn đến rất dễ tạo mảng bám trên răng và tạo điều kiện sinh sôi vi khuẩn, gây sâu răng. Khi răng hàm bị sâu, nha sĩ có thể chỉ định nhổ răng. Vậy quy trình nhổ răng hàm như thế nào?

Răng hàm là gì?

Trước khi tìm hiểu quy trình nhổ răng hàm, bạn cần biết rõ mọi thông tin về răng hàm. Răng hàm còn có tên gọi là răng cối, nằm ở vị trí trong cùng của cung hàm. Đây là chiếc răng khỏe nhất và cũng là chiếc răng mọc cuối cùng trong cung hàm. Trong 32 răng vĩnh viễn, có 20 chiếc răng hàm, bao gồm 8 răng hàm nhỏ và 12 răng hàm lớn. Răng hàm giữ vai trò quan trọng trong việc cắn, xé và nhai thức ăn, đồng thời đảm bảo sự cân đối, hài hòa cho gương mặt.

Trẻ nhỏ mọc răng hàm đầu tiên thường vào khoảng 6 - 7 tuổi và mọc những chiếc răng hàm số 7 số 8 từ 18 tuổi trở đi.

Quy trình nhổ răng hàm như thế nào? Cần lưu ý gì? 1
Răng hàm chính là chiếc răng khỏe nhất trong cung hàm để nhai và nghiền nát thức ăn

Nguyên nhân gây sâu răng hàm 

Do giữ chức năng nhai chính trong cung hàm nên răng hàm thường xuyên phải tiếp xúc với thức ăn, thực phẩm có đường. Nếu không vệ sinh răng miệng đúng cách sẽ tạo điều kiện cho các vi khuẩn có cơ hội phát triển, tấn công men răng. Lâu dần, răng hàm sẽ dần chuyển sang màu đen, phá hủy men răng và ngà răng.

Ngoài ra, răng miệng không được làm sạch kỹ càng do người bệnh không lấy cao răng thường xuyên, bàn chải đánh răng cứng, chỉ xỉa tăm và súc miệng bằng trà xanh.

Một nguyên nhân gây sâu răng hàm nữa là do men răng yếu bẩm sinh cũng rất dễ tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập và tấn công men răng gây sâu răng.

Khi nào cần nhổ răng hàm?

Người bệnh phải tiến hành nhổ răng hàm theo chỉ định của bác sĩ trong một số trường hợp bắt buộc sau:

  • Răng hàm bị sâu: Sâu răng hàm là do không vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Nếu được phát hiện sớm, nha sĩ sẽ trám răng với chi phí thấp. Khi đó, người bệnh cũng không chịu nhiều đau đớn trong quá trình điều trị răng. Sâu răng diễn biến rất nhanh, dễ diễn tiến thành viêm tủy, ảnh hưởng đến chân răng, gây áp xe. Khi các biện pháp bảo tồn không còn phù hợp, bác sĩ sẽ chỉ định nhổ răng hàm dưới hoặc nhổ răng hàm trên cho bệnh nhân.
  • Chấn thương, tai nạn làm răng hàm bị vỡ, gãy khiến người bệnh cảm thấy đau nhức, ê buốt khi tiếp xúc với thức ăn, thức uống nóng, lạnh.
  • Răng lung lay quá nhiều, không thể giữ lại bằng nẹp răng.
  • Viêm nha chu là tình trạng nhiễm trùng ở răng gây viêm nướu và phá hủy xương xung quanh răng. Khi bị viêm nha chu, nha sĩ thường tư vấn người bệnh nhổ răng hàm nhằm tránh lây lan sang những răng khác.
  • Nhổ răng khôn mọc lệch: Răng khôn hay là răng hàm số 8 có thể mọc thẳng hoặc mọc nghiêng mà không theo nguyên tắc nào. Do răng khôn mọc lệch gây áp lực lên răng số 7 nên cần phải nhổ ngay nhằm ngăn chặn hậu quả do nó có thể gây ra. Nếu không nhổ, răng khôn làm vỡ chân răng số 7 và gây sâu răng.
  • Chỉnh nha: Để niềng răng, giải pháp quen thuộc được nhiều bác sĩ chỉ định là nhổ một trong số các răng số 4, 5, 6, 7 và răng khôn. Cách này để tạo chỗ trống trên cung hàm cho những chiếc răng còn lại có thể di chuyển, trở lại vị trí đúng của răng. Ngoài ra, nhổ răng hàm còn làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh lý thường gặp khi không vệ sinh răng đúng cách.
Quy trình nhổ răng hàm như thế nào? Cần lưu ý gì? 2
Răng hàm trên và dưới có vị trí khá giống nhau và là một nơi có cấu trúc giải phẫu khá nguy hiểm

Nhổ răng hàm có nguy hiểm không?

Hiện nay, nhờ có sự trợ giúp của các loại máy móc hiện đại, nhổ răng hàm dưới hoặc nhổ răng hàm trên rất an toàn. Khi lấy răng hàm ra khỏi xương hàm sẽ không gây ảnh hưởng đến dây thần kinh, không gây đau đớn hay bị viêm nhiễm sau này.

Tuy nhiên, nhổ răng hàm trên hay răng hàm dưới khác với nhổ những chiếc răng còn lại. Răng hàm nằm sâu trong khung hàm nên khi nhổ cần sự khéo léo. Ngoài ra, không giống như răng cửa, răng hàm thường có 3 đến 4 chân. Đặc biệt, nhổ răng khôn (răng số 8) mọc ngầm hay mọc lệch không hề đơn giản.

Trên thực tế nhiều trường hợp người bệnh phải chịu biến chứng sau khi nhổ răng hàm. Các biến chứng gồm:

  • Chảy máu răng kéo dài: Thông thường, người bệnh sẽ bị chảy máu ở vị trí nhổ trong vòng ngày đầu tiên kể từ khi nhổ răng hàm. Đây là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, nếu tình trạng chảy máu răng kéo dài, không dừng lại thì có khả năng cao bệnh nhân gặp hai trường hợp: Quy trình nhổ răng hàm không đúng kỹ thuật hoặc cách chăm sóc răng sau nhổ răng không đúng.
  • Nhiễm trùng răng: Nếu người bệnh vệ sinh răng miệng tại nhà không đúng, chỗ nhổ răng hàm có thể sưng đau hoặc mưng mủ. Khi đó, người bệnh cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và xử lý kịp thời.
  • Ảnh hưởng dây thần kinh: Khi nhổ răng sai kỹ thuật sẽ tác động lên dây thần kinh do răng hàm rất gần với dây thần kinh và gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Quy trình nhổ răng hàm như thế nào? Cần lưu ý gì? 3
Khi răng hàm bị sâu quá nặng, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên nhổ bỏ

Quy trình nhổ răng hàm như thế nào?

Nhìn chung, quy trình nhổ răng hàm được thực hiện trong 5 bước:

Bước 1: Thăm khám, chụp X Quang

  • Nha sĩ kiểm tra răng cẩn thận và sẽ hỏi người bệnh những thông tin liên quan đến tiền sử bệnh như tim mạch, tiểu đường, máu khó đông,...
  • Chụp X-quang để kiểm tra tình trạng của xương hàm và đưa ra chẩn đoán mức độ khó hay dễ khi nhổ răng.

Bước 2: Sát khuẩn

  • Sát khuẩn là bước đầu tiên trong việc nhổ răng. Nha sĩ sẽ sát khuẩn vị trí răng sắp nhổ để làm sạch và đảm bảo vị trí nhổ răng không bị nhiễm khuẩn.

Bước 3: Gây tê

  • Trong quy trình phẫu thuật lấy răng hàm, gây tê là bước quan trọng. Vì răng hàm nằm ở vị trí liên kết với nhiều mạch máu và có xương răng lớn hơn so với những răng khác. Việc gây tê trước khi nhổ răng sẽ giúp bạn giảm đau.

Bước 4: Tiến hành nhổ răng

  • Quy trình nhổ răng hàm diễn ra tùy vào tình trạng của răng và vị trí răng hàm cần nhổ. Quy trình nhổ răng sẽ phức tạp và khó khăn hơn đối với răng khôn mọc lệch và mọc ngầm.

Bước 5: Khâu đóng vết thương lại

  • Để kết thúc việc nhổ răng, nha sĩ dùng nước tinh khiết làm sạch vết thương và dùng chỉ nha khoa khâu vết thương.
  • Người bệnh cắn một miếng bông gòn tại răng vừa nhổ để cầm máu trong 45 phút đến 1 tiếng.
Quy trình nhổ răng hàm như thế nào? Cần lưu ý gì? 4
Quy trình nhổ bỏ răng hàm diễn ra tùy vào vị trí răng hàm cần nhổ và tình trạng của răng

Những lưu ý khi chăm sóc sau nhổ răng hàm

Để mau lành vết thương, bạn cần tuân thủ những nguyên tắc sau:

  • Ngậm bông gòn hay băng gạc để cầm máu.
  • Uống thuốc theo chỉ định của nha sĩ.
  • Sau khi nhổ răng, nghỉ ngơi ít nhất 1 ngày.
  • Ăn thức ăn mềm, không nóng hoặc lạnh, dễ nhai, dễ nuốt.
  • Không khạc nhổ, ho quá mạnh, không ngậm ống hút ít nhất 3 ngày sau phẫu thuật.
  • Sau 1 ngày nhổ răng, súc miệng bằng nước muối.
  • Kê đầu nằm cao hơn cơ thể khi đi ngủ để hạn chế chảy máu.

Tóm lại, quy trình nhổ răng hàm cần được thực hiện đúng kỹ thuật để tránh để lại biến chứng nguy hiểm. Nếu tại vị trí nhổ răng xuất hiện các dấu hiệu bất thường thì bạn cần đến bệnh viện ngay. Ngoài ra, chăm sóc răng sau khi nhổ cũng góp phần làm mau lành vết thương.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm