Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Điểm danh các loại mụn tuổi dậy thì và cách điều trị phù hợp

Ngày 29/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Mụn là tình trạng da liễu khó điều trị nếu không biết cách chăm sóc da khoa học. Đặc biệt là lúc tuổi mới lớn, mụn dễ “bùng phát” hơn. Vậy có các loại mụn tuổi dậy thì nào cần chú ý? Bài viết sẽ bật mí đến bạn.

Mụn là nỗi ám ảnh của nhiều người, đặc biệt là với các bạn trẻ. Mụn chủ yếu xuất hiện ở khuôn mặt, lưng, ngực. Điều trị mụn cần nhiều thời gian nên không thể chủ quan. Ở độ tuổi mới lớn, mụn sẽ có xu hướng mọc nhiều hơn. Vậy có các loại mụn tuổi dậy thì nào nên chú ý?

Tại sao vào giai đoạn tuổi dậy thì bị bùng phát mụn?

Tuổi dậy thì là giai đoạn dễ bị mụn nhất bởi sự thay đổi về nội tiết tố bên trong cơ thể. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này như:

Hormone androgen thay đổi

Đây là hormone nội tiết nam làm gia tăng hoạt động của các tuyến dầu nhờn trên da. Thực tế ở độ tuổi dậy thì là lúc da dễ sản sinh lượng bã nhờn và dầu thừa nhất. Và đây chính là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn gây mụn phát triển làm lỗ chân lông bị tắc. Về lâu dài, bã nhờn sẽ hình thành nhân mụn.

Điểm danh các loại mụn tuổi dậy thì và cách điều trị phù hợp 1
Mụn tuổi dậy thì có thể do hormone cơ thể thay đổi

Không làm sạch da đúng cách

Các loại mụn tuổi dậy thì “bùng phát” bởi bạn trẻ chưa đủ kiến thức để chăm sóc làn da khoa học. Nếu rửa mặt không đúng cách như chỉ rửa mặt bằng nước hay sữa rửa mặt không phù hợp sẽ khiến da dễ bị kích ứng. Bên cạnh đó nếu tự tay nặn mụn hay dùng những mỹ phẩm không rõ nguồn gốc thì làn da rất dễ bị lên mụn.

Nguyên nhân khác

Bên cạnh lý do hormone cơ thể thay đổi hay vệ sinh da mặt không khoa học, nguyên nhân gây mụn còn xuất phát bởi thói quen sinh hoạt không lành mạnh. Đó có thể là ăn uống bất hợp lý với thực phẩm giàu đường, muối, dầu mỡ. Thức khuya, ít uống nước, tâm trạng căng thẳng cũng khiến vi khuẩn gây mụn phát triển nhanh hơn.

Các loại mụn tuổi dậy thì thường gặp

Tuổi dậy thì là lúc cơ thể có nhiều biến chuyển về cả tâm lý lẫn cơ thể vật lý. Lúc này mụn sẽ “bùng phát” mạnh mẽ hơn nếu không kịp thời điều trị và không biết điều chỉnh cách chăm sóc và sinh hoạt khoa học. Trước tiên bạn cần nắm một số loại mụn xuất hiện phổ biến ở độ tuổi này:

Mụn không viêm

Đây là loại mụn ít gây tổn thương trên da, chúng thường có đặc điểm là mụn đầu trắng và mụn đầu đen. Lỗ chân lông bị bít tắc lâu ngày sẽ hình thành nên mụn đầu trắng. Ngược lại các nốt mụn đầu đen sẽ xuất hiện do vi khuẩn, bã nhờn, tế bào chết đã bị oxy hoá trên bề mặt da nơi những vị trí nang lông nở.

Điểm danh các loại mụn tuổi dậy thì và cách điều trị phù hợp 2
Mụn đầu đen là dạng mụn không viêm 

Mụn viêm

Mụn viêm thông thường sẽ có kích thước lớn, gây sưng tấy, đau nhức từ đó dù đã điều trị thành công cũng dễ gây tổn thương sâu trên da. Các loại mụn tuổi dậy thì bị viêm phổ biến như:

  • Mụn sần: Nốt mụn sưng tấy, có màu đỏ hồng.
  • Mụn bọc: Vi khuẩn tấn công sâu vào cấu trúc da, có thể mọc ở mặt, lưng, ngực.
  • Mụn mủ: Mụn có hình dáng bên ngoài khá giống với mụn đầu trắng, mụn còn có vòng tròn nhỏ màu đỏ quanh chân mụn. Nếu tự ý nặn mủ sẽ khiến cho tình trạng viêm nặng hơn và có thể để lại sẹo.
  • Mụn nang: Đây là loại mụn rất khó điều trị vì vi khuẩn đã ăn sâu vào da. Mụn u nang thường xuất hiện dưới da, chứa đầy mủ, gây đau đớn cho người bị mụn. Đặc biệt sau khi lấy nhân thì khả năng để lại sẹo vĩnh viễn rất cao.
  • Mụn trứng cá đỏ: Loại mụn này thường do mụn đầu đen, mụn đầu trắng bị viêm và dần chuyển sang mụn đỏ, có cảm giác đau đớn khi sở vào. Mụn trứng cá đỏ được xem là biến chứng có thể gây nên mụn bọc, mụn nang nguy hiểm cho da.
Điểm danh các loại mụn tuổi dậy thì và cách điều trị phù hợp 3
Các loại mụn dậy thì như mụn bọc, mụn nang ảnh hưởng nghiêm trọng đến làn da

Vậy có thể thấy các loại mụn viêm thực sự ảnh hưởng nặng đến làn da hơn so với mụn không viêm. Tuy nhiên một khi phát hiện mặt, ngực, lưng xuất hiện mụn không viêm thì phải ngay lập tức điều trị để tránh vi khuẩn phát triển khiến mụn viêm bùng phát. Đặc biệt nếu da mặt xuất hiện nhiều mụn viêm như mụn bọc, mụn trứng cá, mụn nang thì sẽ khiến người mắc rất dễ tự ti bởi lúc này tính thẩm mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nguyên tắc trị mụn dậy thì

Hiện nay có rất nhiều giải pháp để điều trị các loại mụn tuổi dậy thì. Tuy nhiên còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây mụn, cơ địa, mức độ viêm của mụn mà bác sĩ sẽ tư vấn cách can thiệp phù hợp nhất. Nhìn chung nguyên tắc của trị mụn phải xuất phát từ việc giảm vi khuẩn gây mụn lây lan, giảm viêm, loại bỏ nhân mụn cùng các tế bào chết, chất bã nhờn khỏi lỗ chân lông để da mặt được “thông thoáng”. Một số cách trị mụn sau có thể giải quyết được vấn đề da mụn:

Sử dụng hoạt chất đặc trị mụn

Benzoyl peroxide, acid salicylic hay retinol chính là 3 hoạt chất được nhiều chuyên gia da liễu cân nhắc sử dụng để điều trị mụn vừa và mụn nặng. Với hoạt chất benzoyl peroxide có tác dụng tẩy tế bào chết, loại bỏ dầu thừa và tiêu diệt vi khuẩn gây mụn. Hoạt chất này thường dùng ở nồng độ 2%, 5% hay 10% nhưng buộc phải sử dụng dưới chỉ định của bác sĩ.

Điểm danh các loại mụn tuổi dậy thì và cách điều trị phù hợp 4
Retinol là hoạt chất trị mụn kháng viêm, ngừa sưng do mụn gây nên

Với hoạt chất acid salicylic có thể điều trị các loại mụn tuổi dậy thì nhanh chóng nhờ tác dụng điều tiết lượng dầu trên da. Hoạt chất còn giúp kháng viêm, giảm sưng, giúp khô cồi nhanh chóng. Đặc biệt, khi da xuất hiện các loại mụn khó trị như mụn trứng cá, mụn bọc thì bác sĩ có thể dùng retinol để điều trị. Đây là thành phần dẫn xuất từ vitamin A, có tác dụng làm thông ống dẫn dầu bị tắc, loại bỏ tế bào chết và ngăn ngừa mụn tái phát. Tuy nhiên một khi sử dụng retinol thì phải thực sự cẩn trọng với ánh nắng bởi chúng làm tăng độ nhạy cảm của da khi tiếp xúc với ánh nắng.

Sử dụng thuốc kháng sinh

Như đã đề cập, mụn viêm có thể gây nên những tổn thương da nghiêm trọng. Chưa kể những ai mắc mụn trứng cá, mụn bọc, mụn nang còn cảm thấy đau nhức khi mụn “bùng phát”. Lúc này bác sĩ có thể kê đơn sử dụng kháng sinh dạng bôi hoặc uống, giúp giảm viêm sưng và hạn chế tình trạng lây lan của vi khuẩn.

Dinh dưỡng khoa học

Cách trị mụn không chỉ thực hiện ở bên ngoài mà còn phải chăm sóc da khoẻ từ bên trong. Dinh dưỡng chính là yếu tố quyết định. Bạn nên xây dựng một chế độ ăn uống khoa học, tăng cường ăn rau xanh và trái cây tươi, uống đủ nước và bổ sung thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất với cách chế biến lành mạnh. Tuyệt đối không sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá cũng như hạn chế ăn thực phẩm giàu tinh bột, đường, chất béo xấu.

Lấy nhân mụn khoa học

Đa phần các bạn trẻ bị mụn thường thích dùng tay tự ý nặn nhân mụn ra. Tuy nhiên đây chính là yếu tố góp phần làm nặng tình trạng viêm nhiễm. Tốt nhất nên đến cơ sở da liễu lấy nhân mụn chuẩn y khoa, đảm bảo quy trình sát khuẩn, lấy nhân và phục hồi da khoa học. Việc tự lấy nhân mụn tại nhà còn khiến bạn có nguy cơ bị sẹo rỗ vĩnh viễn trên da.

Điểm danh các loại mụn tuổi dậy thì và cách điều trị phù hợp 5
Lấy nhân mụn đúng cách ngăn ngừa sẹo 

Skincare lành tính

Chăm sóc da buộc phải tuân thủ quy trình như:

  • Sáng: Rửa mặt, dùng nước hoa hồng, dùng kem dưỡng, bôi kem chống nắng.
  • Tối: Tẩy trang, rửa mặt, dùng nước hoa hồng, dùng sản phẩm đặc trị mụn, dùng kem dưỡng.

Việc dùng các serum đặc trị mụn hay kem bôi trị mụn phải dùng theo khuyến nghị của bác sĩ. Đa phần các loại sản phẩm này được khuyến khích dùng vào buổi tối cũng như bôi trước bước dưỡng ẩm và sau bước làm sạch da mặt. Nếu buộc phải dùng sản phẩm trị mụn vào buổi sáng, bạn buộc phải bôi kem chống nắng kỹ càng và tránh đi ra ngoài trời nắng, bởi lúc này da dễ bị kích ứng. Bên cạnh đó, nền da của những người bị mụn đang yếu, ưu tiên chọn sản phẩm dưỡng da lành tính, cân bằng được độ pH trên da.

Trên đây là những chia sẻ về các loại mụn tuổi dậy thì. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết, bạn hiểu hơn về mụn và hiểu hơn về cách điều trị mụn để chăm sóc làn da thêm khỏe mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm