Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cách điều trị huyết áp thấp tại nhà đơn giản mà an toàn

Ngày 23/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Huyết áp thấp là tình trạng phổ biến liên quan không chỉ đến tim mạch mà còn các cơ quan khác. Huyết áp được gọi là thấp khi trị số huyết thấp hơn so với mức mong đợi. Huyết áp thấp có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Hạ huyết áp có thể không có triệu chứng hoặc có các triệu chứng đa dạng từ nhẹ đến nặng. Tuy nhiên khi có tình trạng hạ huyết áp, bạn có thể áp dụng các cách điều trị huyết áp thấp tại nhà cũng như tìm đến cơ sở y tế.

Việc điều trị hạ huyết áp tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra nó. Tiên lượng của bệnh cũng tùy thuộc vào bệnh lý kèm theo. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về cách điều trị huyết áp thấp tại nhà.

Huyết áp thấp là gì?

Đo huyết áp là một công việc được thực hiện thường quy khi khám chữa bệnh. Chỉ số huyết áp gồm 2 con số: Số lớn hơn là huyết áp tâm thu, số nhỏ hơn là huyết áp tâm trương. Huyết áp thấp (còn được gọi là hạ huyết áp) thường được định nghĩa là khi chỉ số huyết áp dưới 90mmHg đối với huyết áp tâm thu hoặc dưới 60mmHg đối với huyết áp tâm trương. Tuy nhiên không hẳn như vậy, vì hạ huyết áp được chia thành 2 thể:

  • Hạ huyết áp tuyệt đối: Huyết áp khi nghỉ ngơi của bạn dưới 90/60 mmHg.
  • Hạ huyết áp tư thế đứng: Bạn được đo huyết áp ở tư thế nằm và đứng. Hạ huyết áp tư thế là khi huyết áp của bạn ở mức giảm nhiều hơn sau ba phút khi bạn đứng dậy từ tư thế nằm. Huyết áp của bạn giảm nhanh khi bạn thay đổi tư thế là điều bình thường, nhưng không giảm nhiều như vậy. Mức giảm phải từ 20 mmHg trở lên đối với huyết áp tâm thu và 10 mmHg trở lên đối với huyết áp tâm trương. Tình trạng này còn được gọi là hạ huyết áp tư thế vì nó xảy ra khi ta thay đổi từ tư thế ngồi hoặc nằm sang tư thế đứng.

Huyết áp thấp phổ biến như thế nào?

Vì huyết áp thấp phổ biến mà không có bất kỳ triệu chứng nào nên không thể biết nó ảnh hưởng đến bao nhiêu người. Tuy nhiên, hạ huyết áp thế đứng dường như ngày càng phổ biến hơn khi bạn già đi. Ước tính có khoảng 5% người mắc bệnh này ở tuổi 50, trong khi con số này tăng lên hơn 30% ở những người trên 70 tuổi.

Nguyên nhân do đâu?

Nguyên nhân của huyết áp thấp bao gồm từ mất nước đến các bệnh nghiêm trọng. Đối với một số người, huyết áp thấp có thể là dấu hiệu báo động một bệnh nghiêm trọng, đặc biệt là khi huyết áp giảm đột ngột. Điều quan trọng là phải tìm ra nguyên nhân gây ra huyết áp thấp để có thể điều trị nếu cần.

Cách điều trị huyết áp thấp tại nhà đơn giản mà an toàn 2
Hãy đi gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân của huyết áp thấp

Nguyên nhân gây ra huyết áp thấp bao gồm:

  • Các bệnh về hệ thần kinh trung ương: Các bệnh lý như Parkinson có thể ảnh hưởng đến hoạt động điều hòa huyết áp của hệ thần kinh.
  • Thể tích máu giảm: Mất máu do chấn thương nặng có thể gây ra huyết áp thấp. Mất nước cũng có thể góp phần làm giảm thể tích máu.
  • Các tình trạng đe dọa tính mạng: Những tình trạng này bao gồm nhịp tim không đều (loạn nhịp tim), thuyên tắc phổi (PE), đau tim và xẹp phổi. Phản ứng dị ứng đe dọa sự sống còn gọi là sốc phản vệ hoặc đáp ứng của hệ miễn dịch đối với nhiễm trùng nặng cũng có thể gây hạ huyết áp.
  • Tình trạng tim và phổi: Bạn có thể bị hạ huyết áp khi tim đập quá nhanh hoặc quá chậm hoặc nếu phổi của bạn không hoạt động bình thường. Suy tim tiến triển (cơ tim yếu) là một nguyên nhân khác.
  • Thuốc theo toa: Hạ huyết áp có thể xảy ra với thuốc điều trị huyết áp cao, suy tim, rối loạn cương dương, các vấn đề về thần kinh, trầm cảm,…
  • Rượu hoặc các chất bổ sung: Rượu, một số chất bổ sung thảo dược, vitamin có thể làm giảm huyết áp của bạn.
  • Mang thai: Hạ huyết áp tư thế đứng có thể xảy ra trong 3 tháng đầu và 3 tháng giữa của thai kỳ. Huyết áp thấp trong thai kỳ còn do chảy máu hoặc các biến chứng khác của thai kỳ.
  • Thay đổi nhiệt độ: Quá nóng hoặc quá lạnh có thể ảnh hưởng đến huyết áp và làm cho tình trạng của nó trở nên tồi tệ hơn.

Triệu chứng của huyết áp thấp

Huyết áp thấp có thể không gây ra triệu chứng đáng chú ý nào, hoặc nó có thể gây chóng mặt và ngất xỉu. Đôi khi, huyết áp thấp có thể đe dọa tính mạng. Huyết áp thấp thường gây ra triệu chứng ở người lớn trên 50 tuổi, đặc biệt là hạ huyết áp tư thế và thường ít khi biểu hiện ở người trẻ, thường xuyên vận động thể lực.

Thông thường, cơ thể bạn có thể tự động kiểm soát huyết áp và giữ cho nó không giảm quá nhiều. Nếu nó bắt đầu giảm xuống, cơ thể bạn sẽ cố gắng bù đắp cho điều đó bằng cách tăng nhịp tim hoặc co mạch máu để làm cho chúng hẹp hơn. Các triệu chứng hạ huyết áp sẽ xảy ra khi cơ thể bạn không thể bù lại sự sụt giảm huyết áp, có thể bao gồm:

  • Hoa mắt, nhìn mờ;
  • Chóng mặt hoặc lâng lâng;
  • Ngất xỉu;
  • Mệt mỏi, suy nhược, uể ỏi, thờ ơ;
  • Khó tập trung, lú lẫn;
  • Buồn nôn, nôn mửa;
  • Thở nhanh, nông;
  • Kích động hoặc những thay đổi bất thường khác trong hành vi so với thường ngày.
Cách điều trị huyết áp thấp tại nhà đơn giản mà an toàn 1
Huyết áp thấp cũng là nguyên nhân gây tai biến và nhồi máu cơ tim như huyết áp cao

Làm thế nào để chẩn đoán huyết áp thấp?

Đối với nhiều người, hạ huyết áp không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Nhiều người thậm chí không biết huyết áp của mình thấp trừ khi họ được đo huyết áp. Bản thân huyết áp thấp rất dễ chẩn đoán. Đo huyết áp là tất cả những gì bạn cần làm. Nhưng tìm ra lý do tại sao bạn bị hạ huyết áp lại là một câu chuyện khác. Nếu bạn có các triệu chứng, nhân viên y tế có thể sẽ sử dụng nhiều xét nghiệm khác nhau để tìm hiểu lý do tại sao huyết áp thấp lại xảy ra và liệu có bất kỳ mối nguy hiểm nào đối với bạn vì điều đó hay không.

Bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm sau:

  • Các xét nghiệm về máu và nước tiểu;
  • Xét nghiệm hình ảnh;
  • Siêu âm tim;
  • Các nghiệm pháp kiểm tra tác động của huyết áp thấp.

Cách điều trị huyết áp thấp tại nhà

Điều trị huyết áp thấp thường bắt đầu bằng việc tìm hiểu lý do tại sao nó lại xảy ra. Nếu bác sĩ có thể khắc phục nguyên nhân đó, huyết áp thấp thường sẽ tự khỏi. Nếu bạn dùng thuốc ảnh hưởng đến huyết áp, bác sĩ có thể thay đổi liều lượng thuốc cho phù hợp hoặc yêu cầu bạn ngừng dùng thuốc đó hoàn toàn.

Nhìn chung, điều trị huyết áp thấp có thể là điều trị thuốc, chế phẩm y tế, thay đổi lối sống hoặc kết hợp cả hai. Một số người bị huyết áp thấp cần nằm viện.

Vậy bạn có thể điều trị hạ huyết áp tại nhà không? Câu trả lời là “Có”. Khi chắc chắn mình bị huyết áp thấp, ban có thể điều trị tại nhà bằng các biện pháp sau:

  • Dùng thuốc đã được bác sĩ kê đơn đều đặn, đúng về liều lượng và thời gian.
  • Uống đủ nước, uống nhiều hơn khi bị nôn, tiêu chảy, hoạt động thể lực hoặc thời tiết nóng bức.
  • Thay đổi chế độ ăn uống: Trong một số trương hợp, tăng lượng muối thường ngày có thể giúp tăng huyết áp.
  • Tránh căng thẳng, biết cách tạo trạng thái cảm xúc tốt cho bản thân.
  • Thay đổi vị trí từ từ và dần dần để tránh hạ huyết áp tư thế đứng. Thay vì đứng dậy nhanh chóng, hãy chuyển sang tư thế ngồi hoặc đứng bằng những động tác nhỏ như trở người sang một bên khi nằm, chống tay nâng người, ngồi dậy sau đó mới đứng. Đồng thời bạn có thể kết hợp động tác thở chậm, sâu.
  • Nếu bạn bị huyết áp thấp khi đứng trong thời gian dài, hãy thử co chân lên và di chuyển tại chỗ trước. Nếu có thể, nên ngồi xuống để nghỉ ngơi.
  • Nếu bạn bị huyết áp thấp sau khi ăn, bác sĩ có thể đề nghị ăn nhiều bữa nhỏ thường xuyên hơn trong ngày hoặc ăn các loại thực phẩm khác nhau và tránh đứng dậy đột ngột sau khi ăn.
  • Ghi lại những tình huống mà bạn cảm thấy rất sợ hãi hoặc xúc động ngay trước khi bị tụt huyết áp. Bạn có thể lên kế hoạch trước để tránh những tình huống đó.
  • Nhận biết và phản ứng với các triệu chứng: Biết cảm giác hạ huyết áp là một cách giúp bạn tránh các vấn đề với nó.
Cách điều trị huyết áp thấp tại nhà 4
Uống đủ nước là một trong những cách điều trị huyết áp thấp tại nhà

Có nhiều cách điều trị huyết áp thấp tại nhà, tùy theo nguyên nhân nào khiến cho huyết áp của bạn bị thấp đi mà bác sĩ sẽ đưa ra những gợi ý điều trị tại nhà cho bạn. Có thể bạn chỉ cần thực hiện một hoặc một số biện pháp nêu trên. Vì vậy, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để việc điều trị có hiệu quả nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm