Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cách xử trí sốc phản vệ thuốc cản quang và các biện pháp phòng ngừa sốc phản vệ

Ngày 30/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sốc phản vệ là tình trạng nguy hiểm, có thể dẫn tới tình trạng tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Vậy sốc phản vệ thuốc cản quang là gì? Dấu hiệu và xử trí tình trạng này như thế nào? Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm câu trả lời trong bài viết này nhé!

Nhiều người khi đi chụp CT hay MRI được kỹ thuật viên tiến hành tiêm một loại thuốc vào cơ thể đó là thuốc cản quang. Vậy thuốc cản quang là gì? Tình trạng sốc phản vệ thuốc cản quang nguy hiểm như thế nào?

Thông tin về sốc phản vệ và thuốc cản quang

Trước khi tìm hiểu về sốc phản vệ thuốc cản quang hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về tình trạng sốc phản vệ và những đặc điểm của thuốc cản quang trước nhé!

Sốc phản vệ

Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng. Phản ứng này có thể xảy ra sau khoảng vài giây hoặc vài phút đôi khi là vài tiếng sau khi tiếp xúc với các dị nguyên có thể là thuốc, nọc độc, ong chích... đôi khi là những loại thực phẩm hàng ngày không phù hợp với cơ thể như tôm, ốc, khoai tây, đậu phộng...

Theo thống kê trên thế giới, tỷ lệ sốc phản vệ ở châu Âu khoảng 4 – 5 ca/10.000 dân, ở Mỹ là 59 ca/100.000 dân. Việt Nam dù chưa có số liệu thống kê nhưng thực tế ghi nhận có nhiều ca đã tử vong vì sốc phản vệ.

Biến chứng của sốc phản vệ rất nguy hiểm, có thể dẫn tới các tổn thương não, suy thận, sốc tim, nhồi máu cơ tim và nặng nhất là gây tử vong.

Thuốc cản quang

Thuốc cản quang là loại thuốc tiêm tĩnh mạch và có gắn I-ot, khi thuốc được tiêm vào cơ thể, tùy thuộc vào cơ quan mà mức độ thuốc cũng khác nhau, từ đó chúng chặn tia X nhiều hay ít và làm hiện hình rõ nét và phân biệt được các cơ quan đó trên hình ảnh.

Hệ miễn dịch ra các kháng thể chống lại các chất lạ và thuốc cản quang cũng là một chất lạ. Đa phần mọi người hệ miễn dịch không phản ứng với thuốc cản quang, tuy nhiên một số ít người, hệ thống miễn dịch lại có phản ứng thái quá. 

Tùy thuộc vào mức độ phản ứng với chất cản quang của cơ thể mà có thể chia ra các mức độ nhẹ đến nặng. Nhẹ thì người bệnh có thể nôn, buồn nôn, ngứa. Nặng thì có thể sốc phản vệ và nếu không xử lý tình trạng này kịp thời có thể gây tử vong.

Cách xử trí sốc phản vệ thuốc cản quang và các biện pháp phòng ngừa sốc phản vệ
Bệnh nhân được tiêm thuốc cản quang khi chụp một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh

Dấu hiệu sốc phản vệ thuốc cản quang là gì?

Sốc phản vệ cực kì nguy hiểm và cần phải được phát hiện sớm. Vậy dấu hiệu sốc phản vệ thuốc cản quang là gì? 

Năm 2006, hội thảo về định nghĩa và xử trí phản vệ tại Hoa Kỳ báo cáo lần thứ hai đã đưa ra những tiêu chuẩn để chẩn đoán phản vệ, đó là:

  • Các dấu hiệu của da, niêm mạc như phát ban toàn thân, ngứa, sưng nề...
  • Dấu hiệu hô hấp bị tổn thương như khó thở, rút lõm lồng ngực, co thắt phế quản, giảm lưu lượng đỉnh, giảm oxy hoá máu.
  • Tụt huyết áp hoặc có các dấu hiệu của tụt huyết áp đó là trương lực cơ giảm, ngất, đái ỉa không tự chủ.
  • Biểu hiện triệu chứng dạ dày ruột như đau quặn bụng, nôn, buồn nôn...

Ở nhiều trường hợp bệnh nhân không có đầy đủ các dấu hiệu, có đến 20% tỷ lệ người bệnh không có dấu hiệu về da và niêm mạc. Tuy nhiên hoàn toàn có thể chẩn đoán bệnh nhân nhờ ba dấu hiệu còn lại.

Ngừng tuần hoàn là biến chứng nguy hiểm nhất của tình trạng sốc phản vệ, vậy nên cần phải biết được cách cấp cứu sốc phản vệ thuốc cản quang nói riêng và sốc phản vệ nói chung.

Cách xử trí sốc phản vệ thuốc cản quang và các biện pháp phòng ngừa sốc phản vệ
Sốc phản vệ thuốc cản quang rất nguy hiểm nên cần phát hiện và xử trí sớm

Cách xử trí sốc phản vệ thuốc cản quang

Xử trí ban đầu

Khi gặp tình trạng người bệnh bị sốc phản vệ thuốc cản quang cần phải làm ngay những bước sau:

  • Ngừng tiêm, truyền thuốc cản quang;
  • Gọi thêm người đến hỗ trợ;
  • Dùng thuốc adrenalin tiêm bắp;
  • Đặt người bệnh nằm ngửa đầu thấp, nếu khó thở hoặc nôn thì đặt ở tư thế Fowler gác cao chân;
  • Cho bệnh nhân thở oxy và đặt đường truyền tĩnh mạch.

Adrenalin làm chậm tình trạng sốc phản vệ, nghiên cứu cho thấy 70% bệnh nhân sốc phản vệ có các triệu chứng rầm rộ thì cần tiêm ít nhất hai lần adrenalin.

Cách xử trí sốc phản vệ thuốc cản quang và các biện pháp phòng ngừa sốc phản vệ 3
Adrenalin làm chậm các phản ứng sốc phản vệ

Kiểm soát đường thở

Phải đặt nội khí quản ngay nếu như bệnh nhân có tình trạng phù thanh môn nếu chậm có thể gây tắc nghẽn đường thở hoàn toàn, lúc này đặt nội khí quản sẽ rất khó khăn dù cho có là bác sĩ có kinh nghiệm.

Vì vậy nên việc kiểm soát đường thở rất quan trọng, nhiều bệnh nhân bị ngừng thở phải tiến hành sơ cứu ngừng tuần hoàn ABC ngay lập tức, cụ thể là:

  • Chest compressions: Ép tim;
  • Airway: Giải phóng đường thở;
  • Breathing: Hô hấp nhân tạo, thổi ngạt.

Các loại thuốc khác

Tùy từng bệnh nhân mà bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc sao cho phù hợp, giải quyết tình trạng ngứa và mày đay cấp có thể dùng các loại thuốc kháng histamin, truyền dịch để bù lại dịch đã mất... 

Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn như huyết áp, SpO2 liên tục cùng số lượng nước tiểu của người bệnh.

Phòng ngừa sốc phản vệ như thế nào?

Nếu bạn đã từng bị dị ứng nghiêm trọng hoặc đã từng bị sốc phản vệ trong quá khứ, bạn cần phải cố gắng ngăn ngừa các đợt tái phát bằng cách:

Xác định được nguyên nhân

Tìm hiểu về nguyên nhân khiến bạn bị dị ứng và sốc phản vệ để tránh tiếp xúc trong tương lai. Nếu bạn đã từng bị sốc phản vệ mà chưa được chẩn đoán dị ứng, bạn nên đến các cơ sở y tế để làm gói xét nghiệm dị ứng nhằm xác định nguyên nhân.

Một số xét nghiệm phổ biến và được áp dụng nhiều đó là:

  • Test trên da: Một lượng nhỏ chất gây dị ứng được tiêm vào da để xem có phản ứng dị ứng hay không.
  • Test trong da hay còn gọi là test nội bì: Test này có nguy cơ gây sốc phản vệ cao hơn nên phải được thực hiện ở các bệnh viện chuyên khoa và có điều kiện cấp cứu.
  • Test khẳng định: Mục đích là xác định tình trạng dị ứng thuốc, loại trừ phản ứng chéo giữa các loại thuốc.
  • Xét nghiệm máu.

Tránh các yếu tố gây sốc phản vệ

Bạn có thể giảm nguy cơ bị sốc phản vệ bằng cách hạn chế tiếp xúc với các chất gây dị ứng, đối với từng loại dị nguyên thì có những biện pháp khác nhau:

  • Dị nguyên là thực phẩm: Kiểm tra kỹ các thành phần, nguyên liệu của thực phẩm trước khi mua. Khi đi ăn ở ngoài thì hãy thông báo loại thực phẩm mà bạn dị ứng để không đưa vào món ăn của bạn. Ngoài ra cần ghi nhớ thêm một số loại thực phẩm có thể chứa các chất gây dị ứng tiềm ẩn như loại nước sốt có chứa đậu phộng, lúa mì…
  • Côn trùng đốt: Nhiều người bị sốc phản vệ sau khi bị côn trùng đốt vì vậy nên những biện pháp phòng ngừa tình trạng này rất cần thiết. Khi thấy ong thì nên di chuyển chậm, không hoảng sợ hay xua tay. Sử dụng các loại thuốc chống côn trùng dạng bôi hoặc dạng xịt nếu hoạt động ngoài trời. Không đi lại bằng chân đất quanh các khu sân vườn hay sân nhà.
  • Các loại thuốc: Nếu bạn bị dị ứng với một số loại thuốc, hãy hỏi bác sĩ về những loại thuốc khác mà bạn có thể dùng để thay thế như khi bị dị ứng Penicillin có thể thay bằng nhóm macrolid, thuốc gây mê có thể thay bằng loại thuốc khác...
Cách xử trí sốc phản vệ thuốc cản quang và các biện pháp phòng ngừa sốc phản vệ
Kiểm tra kỹ các thành phần của thực phẩm để tránh tình trạng dị ứng

Mang theo bút tiêm adrenalin

Nhiều trường hợp bệnh nhân được bác sĩ kê đơn bút tiêm tự động adrenalin, nếu thuộc đối tượng này bạn cần chú ý những thông tin sau:

  • Luôn mang theo ít nhất 2 liều adrenalin, có thể đeo thẻ hoặc vòng tay khẩn cấp chứa thông tin về bệnh dị ứng và số điện thoại liên lạc trong những trường hợp khẩn cấp.
  • Đảm bảo rằng bạn, người thân, gia đình, bạn bè và đồng nghiệp biết sử dụng bút tiêm khi bạn bị phản ứng.
  • Thường xuyên kiểm tra và thay bút tiêm mới trước khi hết hạn để đảm bảo về chất lượng. 
  • Không nên trì hoãn việc tiêm nếu bạn nhận thấy tình trạng sốc phản vệ có thể xảy ra dù những triệu chứng ban đầu nhẹ. Việc sử dụng adrenalin sớm vẫn tốt hơn so với việc trì hoãn điều trị cho đến khi chắc chắn về tình trạng sốc phản vệ xảy ra.

Hy vọng bài viết trên của Nhà thuốc Long Châu đã giải đáp được những thắc mắc về sốc phản vệ thuốc cản quang của nhiều độc giả. Sốc phản vệ rất nguy hiểm có thể dẫn đến tình trạng tử vong vì vậy cần phải được xử trí nhanh chóng và đúng cách.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm